Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ năm, 14/09/2023 14:09
TMO - Để bảo đảm uy tín, chất lượng và ổn định đầu ra cho sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng khuyến cáo bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện nay, diện tích sầu riêng trên toàn tỉnh có khoảng 19.700ha, tăng hơn 6.000ha so với năm 2021. Trong đó, có hơn 10.800ha đã cho thu hoạch sản phẩm, ước tính sản lượng năm 2023 sẽ đạt khoảng 115.000 tấn. Dự kiến đến năm 2027, 2028 toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có khoảng 19.000ha đến thời kỳ cho thu hoạch, tương ứng sản lượng khoảng 225.000 tấn, gấp đôi so với sản lượng hiện nay.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện giá sầu riêng đang ở mức cao, tại một số địa phương xảy ra tình trạng thương lái làm rối loạn thị trường như: tranh mua, tranh bán, độn giá, thổi giá….Đặc biệt, có tình trạng thương lái chốt giá từ khi còn non và yêu cầu các chủ vườn, vùng trồng đã chốt giá tăng cường sử dụng phân, thuốc để sầu riêng có năng suất cao hơn, điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quả sầu riêng và tuổi thọ của cây.
Tình trạng phát triển “nóng” về diện tích sầu riêng có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới. Quan điểm của ngành Nông nghiệp tỉnh là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng, mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia vào vùng trồng để được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cũng như phục vụ thị trường trong nước.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm. Ảnh: KP.
Để đảm bảo chất lượng, thương hiệu, uy tín và ổn định đầu ra cho sầu riêng ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp. Ngoài ra, bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây khác đang trồng xen sầu riêng có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện việc quản lý diện tích được cấp mã số vùng trồng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Người dân, hợp tác xã... tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng trên cây sầu riêng. Trong đó, cần theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng dịch hại, đặc biệt là các đối tượng rệp sáp, ruồi vàng thuộc đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc. Trong quá trình sản xuất, Sở NN&PTNT tỉnh yêu cầu thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký sản xuất; lưu ý ghi chú thời gian ra hoa của cây sầu riêng để có kế hoạch chăm sóc phù hợp và dự kiến thời gian thu hoạch.
Thực hiện kiểm tra, thu hái sầu riêng bảo đảm độ chín, tuyệt đối không thu hoạch quả non, mà phải căn cứ vào độ chín của quả. Ngoài ra, phải thu hái sầu riêng đảm bảo độ chín tuyệt đối không thu hoạch quả non mà phải căn cứ vào độ chín của quả. Tại khu vực các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (vụ thu hoạch khoảng từ tháng 4 - 7), giống Ri6: từ lúc xổ nhụy đến lúc thu hoạch quả phải đủ độ tuổi 100 - 110 ngày; giống Dona: từ lúc xổ nhụy đến lúc thu hoạch quả phải đủ độ tuổi 120 - 130 ngày. Tại khu vực các huyện khác (vụ thu hoạch khoảng từ tháng 8 - 11), giống Ri6: từ lúc xổ nhụy đến lúc thu hoạch quả phải đủ độ tuổi 120 - 130 ngày; giống Dona: từ lúc xổ nhụy đến lúc thu hoạch quả phải đủ độ tuổi 140 - 150 ngày.
Quá trình sản xuất, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... cần tham gia và giữ ổn định các liên kết sản xuất tiêu thụ giữa với người sản xuất sầu riêng; không nghe theo các thương lái đầu cơ thổi giá sầu riêng mà phá vỡ các hợp đồng với các đơn vị thu mua uy tín. Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số nếu để xảy ra tình trạng quản lý vùng trồng không đúng quy định, thu hoạch không bảo đảm chất lượng sẽ làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sầu riêng và thương hiệu sầu riêng Lâm Đồng. Điều này sẽ gây thiệt hại đến sản xuất, thu nhập của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.
Thiếu liên kết bền vững trong sản xuất sầu riêng ảnh hưởng đến chất lượng và tiêu thụ mặt hàng này.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc gia tăng, tăng trưởng “nóng” về diện tích, sản lượng cây sầu riêng, có nguy cơ ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng theo đề án cơ cấu lại nông nghiệp của các địa phương. Thậm chí, một số nơi có hiện tượng nông dân chặt bỏ cây lâu năm khác như: Cà phê, hồ tiêu… chuyển sang trồng sầu riêng. Nếu thời gian tới, thị trường tiêu thụ có biến động, khó khăn trong tiêu thụ, khi đó thu nhập của nông dân sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, số lượng mã số vùng trồng được cấp hiện còn ít so với tổng quy mô diện tích, sản lượng sản xuất, dễ có nguy cơ mạo danh, gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và việc xuất khẩu của ngành hàng khi bị phát hiện.
Tại khu vực Tây Nguyên, diện tích sầu riêng trồng xen trong vườn cà-phê hiện chiếm tỷ lệ hơn 70%, trong khi cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chỉ thực hiện với vùng trồng chuyên canh. Nếu giá sầu riêng vẫn duy trì mức cao như hiện nay, nguy cơ người dân dịch chuyển diện tích cà phê sang trồng sầu riêng hoặc phá bỏ cà phê trồng xen sầu riêng để được cấp mã số vùng trồng.
Nếu phát triển “nóng” cây sầu riêng như hiện nay, nguy cơ cung sẽ vượt cầu. Khi đó, những nhà vườn không nằm trong chuỗi liên kết, không tham gia hợp tác xã sẽ gặp khó khăn về đầu ra. Đó là bài toán cần có sự vào cuộc của Nhà nước để khuyến cáo, thông tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đặc điểm địa phương.
Nhằm phát triển bền vững cây sầu riêng, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu phù hợp; kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Hiện Trung Quốc là thị trường chủ đạo khi chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu thì những thị trường khác vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển. Với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường lớn nhất và gần như cũng có quy định cụ thể và chặt chẽ nhất đối với sầu riêng. Quy định của Trung Quốc nhưng cũng là quy định chung của nhiều thị trường theo thông lệ quốc tế. Thứ nhất là yêu cầu về vùng trồng phải đăng ký; phải quản lý được sinh vật gây hại; được sản xuất theo quy trình đầy đủ có sự giám sát của cơ quan quản lý; đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Về cơ sở đóng gói phải đảm bảo quy tắc một chiều, đảm bảo phân khu đầy đủ; yêu cầu hồ sơ ghi chép đầy đủ về quản lý sinh vật gây hại, hồ sơ truy xuất.
Đức Nam
Bình luận