Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Chủ nhật, 01/05/2022 05:05
TMO - Xác định công tác bảo vệ diện tích rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên đã ký kết quy chế phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo số liệu thống kê, huyện Cát Tiên có tổng diện tích tự nhiên là 42.694,25 ha với 27.254,4 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 63,84% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng giáp ranh do Vườn Quốc gia Cát Tiên quản lý là 21.836,5 ha. Theo đánh giá, tài nguyên rừng ở vùng giáp ranh còn khá phong phú với nhiều chủng loại động, thực vật quý hiếm.
Trong những năm qua, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên đã tổ chức các đợt phối hợp truy quét nạn phá rừng, lấn chiếm rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép vùng giáp ranh giữa hai tỉnh cũng như thông tin với nhau về các vùng trọng điểm phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm rừng, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm.
Khu vực rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng là địa bàn trọng yếu cần được bảo vệ nghiêm ngặt
Tuy nhiên, tại vùng giáp ranh giữa hai đơn vị là khu vực rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, phân bố ở nơi có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, vì vậy, những khu vực rừng giáp ranh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra khai thác lâm sản, săn, bẫy động vật hoang dã, phát nương làm rẫy trái phép... Đặc biệt, là một số đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh huyện Cát Tiên và Tân Phú (Đồng Nai) để thực hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên cho biết: Trong năm 2021, trên địa bàn huyện Cát Tiên đã xảy ra 15 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện lập biên bản xử lý 7 vụ, Vườn Quốc gia Cát Tiên lập biên bản xử lý 8 vụ. Nhìn chung, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn chủ yếu vẫn xoay quanh khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép với mức độ và thiệt hại về lâm sản là không lớn.
Cùng với những kết quả đạt được, công tác bảo vệ diện tích rừng giáp ranh tại địa phận Vườn Quốc gia Cát Tiên (khu vực 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai) còn gặp nhiều khó khăn do công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm hai đơn vị còn chưa thường xuyên, khu vực giáp ranh có địa hình hiểm trở nên còn xảy ra nhiều vụ vi phạm
Trước thực trạng đó, để quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh tốt hơn, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và chính quyền cấp huyện có vùng giáp ranh rừng giữa 2 huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên khu vực rừng hai đơn vị được giao quản lý.
Lực lượng chức năng tại VQG Cát Tiên và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên tăng cường phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng
Cụ thể, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên sẽ tăng cường phối hợp, thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng, đặc biệt, tại các khu vực rừng giáp ranh nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các trọng điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn.
Trong trường hợp cần điều tra, xác minh các thông tin liên quan đến đối tượng vi phạm, hai bên chủ động liên lạc, cung cấp các nguồn thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được cho bên đang thụ lý hồ sơ để phục vụ quá trình xác minh, giải quyết vụ việc nhằm đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, tránh bỏ lọt vi phạm, bỏ lọt tội phạm và đúng theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chống phá rừng mỗi tỉnh được quyền truy đuổi, bắt giữ đối tượng bỏ chạy về phía địa bàn lân cận.
Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất, kịp thời, bí mật, an toàn, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, thẩm quyền, phạm vi trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình phối hợp; không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ riêng và công việc nội bộ của các bên. Ngoài ra, hai đơn vị cũng sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động, các đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn huyện; xây dựng quy chế bảo vệ rừng và phát triển rừng tại các cộng đồng nhận khoán.
Sa Hoàng
Bình luận