Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ ba, 27/02/2024 08:02
TMO - Tỉnh Ninh Thuận lên kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024 với mục tiêu có thêm 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận.
Tỉnh Ninh Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển đa dạng, phong phú các mặt hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh có 182 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 152 sản phẩm đạt 3 sao, 30 sản phẩm đạt 4 sao với mẫu mã đa dạng, hấp dẫn. Nhiều sản phẩm OCOP đã tạo được sức hút với người tiêu dùng và có sức mua lớn trên thị trường. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có từ hai đến ba sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận cấp quốc gia.
Để đưa sản phẩm OCOP tới gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh liên kết đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ sanphamninhthuan.vn; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia và duy trì trên sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và nước ngoài như Alibaba, Amazon, Lazada, Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 sản phẩm của 92 đơn vị; trong đó, 123 sản phẩm OCOP của 50 doanh nghiệp, cơ sở đã được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Xác định tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương, thời gian qua, UBND huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tập trung thực hiện, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh tham gia. Thông qua chương trình, trên địa bàn huyện bước đầu đã tạo sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản, tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Cuối năm 2023, trên địa bàn huyện đã có 30 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, như: Nho Trí Hà, Chanh không hạt Ngọc Hiển; Dưa lưới Bảo Anh; Bò núi ông Tý...
Để phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP, trong thời gian tới, huyện Ninh Sơn sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiệu quả chương trình để nâng tầm chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đăng ký chương trình. Đồng thời, tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng sản xuất của từng địa phương theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể về quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp như: Sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản.
Chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho các địa phương khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Xác định tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương, thời gian qua huyện Bác Ái đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tập trung thực hiện, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh tham gia.
Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện đã có 4 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh, gồm: Gạo sạch Phước Chính, dưa lưới Sun Farm, hạt điều Đồng Thuận và rượu chuối hột mồ côi. Mới đây, bưởi da xanh Phước Bình đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phê duyệt và cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường nước này trong thời gian tới. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được Hoa Kỳ phê duyệt và cấp mã số vùng trồng với diện tích 23ha, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/6/2023. Toàn huyện Bác Ái có 236ha bưởi; riêng xã Phước Bình là 192ha.
Chương trình OCOP cũng được các địa phương khác quan tâm thực hiện có hiệu quả. Tại huyện Ninh Hải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của địa phương; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 36 sản phẩm OCOP. Thông qua chương trình, đã tạo sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất sản phẩm nông sản có tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.
Các sản phẩm OCOP đã góp phần giúp các chủ thể thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các kênh quảng bá, bán hàng giúp mở rộng thị trường. Đồng thời, mở ra cơ hội để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh.
Địa phương này đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các địa phương (Ảnh minh họa).
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện OCOP trong năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến cuối năm nay có 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP, trong đó có thêm 2-5 sản phẩm 4 sao; từ 1-2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao. Cùng với đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Ninh Thuận cũng ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, có 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Nhằm góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương, tỉnh cũng đặt mục tiêu có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP. Năm 2024, Ninh Thuận cũng phấn đấu có thêm từ 1-2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP.
Để hoàn thành mục tiêu kể trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra 15 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo năm 2024 liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP và đặc thù (đổi mới, ứng dụng công nghệ; sở hữu trí tuệ; truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm OCOP và đặc thù (VietGap, Global Gap; VietGAHP, HACCP...); tham gia Techmart, TechDemo, Growtech; Triển lãm OCOP…)... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Chương trình OCOP) được UBND tỉnh Ninh Thuận giao là đơn vị chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch và triển khai toàn diện các nội dung của Chương trình OCOP năm 2024.
Thu Hằng
Bình luận