Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 04/04/2024 08:04
Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao. Do vậy, để chủ động phòng, chống người dân cần chú ý, thực hiện một số biện pháp để đảm bảo an toàn.
Xử lý khi bị chó, mèo cắn
Khi bị chó mèo cắn cần phải rửa ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong thời gian từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng thì có thể xối rửa bằng nước mạnh. Đây là cách rất hiệu quả trong việc hạn chế virus bệnh dại xâm nhập vào vết thương. Sau đó rửa kỹ vết thương bằng cồn 70% hoặc dung dịch sát khuẩn.
Đối với vết thương, tuyệt đối không được băng bó hoặc bôi thuốc kín vết thương khiến vết thương bị bí. Tránh khâu vết thương sẽ làm virus dại dễ dàng thâm nhập hơn. Người bị động vật mắc bệnh dại hoặc nghi dại cắn cần được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Để chủ động phòng, chống người dân cần chú ý, thực hiện một số biện pháp để đảm bảo an toàn (Ảnh: nguồn Internet).
Biện pháp phòng chống bệnh dại
Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng dại cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, theo thông báo của UBND xã, phường, thị trấn.
Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo vì trẻ em thường có hành động ôm hôn chó, mèo dẫn đến nguy cơ bị chó, mèo cắn, cào; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, nhất là chó, mèo chạy rông ngoài đường; không lại gần khi chó đang ăn hoặc khi chó mẹ đang cho con bú, không nhìn vào mắt chó. Nuôi chó phải xích, nhốt; chó ra đường phải được đeo rọ mõm, có người dắt.
Nếu bị chó, mèo cắn, cần đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Đối với trẻ em, phải hướng dẫn cách phòng tránh chó, mèo cắn. Trường hợp bị chó mèo cắn cần báo ngay cho cha mẹ, người lớn biết để xử lí kịp thời.
Đối với người bị chó, mèo nghi dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh, cần đến ngay Trung tâm Y tế hoặc các Trạm Y tế để được khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt. Đối với chó, mèo nuôi cần theo dõi con vật từ 10-14 ngày, trường hợp chó chạy rông hoặc không theo dõi được thì xử lý như chó nghi dại cắn.
Trường hợp người có nguy cơ cao nhiễm virus dại như người làm nghề giết mổ chó, người đi đến khu vực có lưu hành bệnh dại cần đến cơ sở y tế, Trung tâm Y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại.
Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, hoặc có thể dài trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng vi rút dại xâm nhập vào cơ thể qua vết thương nhẹ hay nặng và khoảng cách từ vết thương đến não bộ. Nếu vết thương nặng, gần thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh ngắn và ngắn nhất khi vết cắn ở đầu, mặt, tay và đặc biệt là đối với trẻ em.
Thời gian gần đây đã ghi nhận một số ca có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương. Các chuyên gia y tế khẳng định: Khi đã phát bệnh lên cơn dại, kể cả động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vì vậy người dân cần hết sức lưu ý, chủ động phòng chống để đảm bảo an toàn, tránh để chó, mèo làm xước cơ thể hay cắn để loại bỏ nguy cơ mắc bệnh dại.
Thu Hà
Bình luận