Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ ba, 06/12/2022 14:12
TMO - Bao giờ cũng vậy, hễ thời gian cách Tết Nguyên đán còn chừng hơn một tháng là người nông dân những làng hoa tại Hà Nội lại tất bật bước vào mùa vụ chuẩn bị hoàn tất những công đoạn cuối cùng trước khi mang hoa, cây cảnh rời vườn để bán phục vụ các gia đình mua mang về chưng, chơi Tết.
Nếu như người nông dân canh tác lúa thường chỉ vất vả khi bước vào vụ cấy, gặt, thì với những người dân làng hoa giai đoạn cuối năm mới thực sự bận rộn, mệt nhọc, bởi nhiều gia đình đều phải làm việc quên thời gian, thậm chí là họ còn mang cơm ra vườn để ăn trưa, chứ không có thời gian về nhà...
Người dân tất bật tuốt lá hoa đào
Nếu như trước đây cả Hà Nội chỉ có làng đào Nhật Tân (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) chuyên trồng cây hoa đào, thì khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi tốc độ đô thị hóa phát triển mở rộng ra các vùng ven, đã xuất hiện thêm khá nhiều địa phương đưa cây hoa đào vào canh tác. Có thể kể tới những làng hoa mới trồng đào, đó là: Uy Nỗ, Tiên Dương (huyện Đông Anh), Vân Tảo, Đào Xá (Thường Tín), Đông La (Hoài Đức), La Cả (quận Hà Đông)...
Một nhà vườn ở Nhật Tân đang tuốt lá cho cây đào cổ thụ
Dạo quanh những làng trồng hoa đào tại địa bàn Hà Nội trong khoảng còn mấy chục ngày cách Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động hăng say của người nông dân khi mà cây hoa đào đã, đang vào dịp tuốt lá. Sở dĩ cây hoa đào phải trải qua công đoạn tuốt lá, đó là khi tất cả số lá trên cây được tuốt sạch đi, lúc này cây đào mới tập trung dinh dưỡng để nuôi phần nụi, hoa. Một yếu tố nữa khiến nhà vườn phải tuốt lá đào là, khi các lá đào bị bứt hết đi, cây cành mới “tức” và bung nụ ra đồng loạt, vì vậy vào dịp Tết sắc hoa mới rực rỡ khắp cành, chứ không nở rải rác như các cây đào không tuốt lá.
Mùa tuốt lá đào các nhà vườn thường rất vất vả, khi gia đình nhà nào cũng đều phải... ăn cơm ngoài đồng, nghĩa là họ mang đồ ăn đi theo để các thành viên tranh thủ nghỉ, ăn trưa luôn ngoài vườn, rồi làm việc thông qua cả buổi trưa luôn. Việc tuốt lá đào đòi hỏi sự tỉ mỉ, khi người ta phải dùng hai tay bứt ngược từ lá một để làm sao đấy không làm cho điểm tiếp giáp với cuống lá không bị trầy xước da cành. Nếu như ai đó muốn làm nhanh, tuốt lá ẩu thì nách của chiếc lá tuốt đi đó sẽ không thể bung ra nụ hoa được bởi da cành trầy xước, dập nát. Chính vì đòi hỏi sự cẩn thận như vậy, nên có khi một nhân công trong một ngày làm giỏi cũng chỉ tuốt được dăm bảy cây, hoặc hơn chút ít là cùng. Nếu hộ dân nào trồng dăm bảy trăm gốc đào thì thường họ sẽ huy động hết nhân lực trong gia đình, thậm chí phải thuê thêm người mới mong tuốt lá xong trong khoảng mấy ngày.
Ở làng đào La Cả thuộc quận Hà Đông, khi đã ở thời gian giữa trưa, vậy mà tôi vẫn thấy rất đông những người dân còn thấp thoáng trên đồng. Anh Trần Văn Tuấn, người trồng 320 gốc đào kể rằng muốn ruộng đào nở đúng dịp và đồng loạt thì công việc tuốt lá phải khẩn trương trong khoảng 3 ngày trở lại. Như đã nói, việc tuốt lá lâu công, mất thời gian nên anh Tuấn và vợ cùng hai bố mẹ già phải làm việc cật lực từ sáng sớm tới tối mịt. Anh Tuấn chia sẻ: “Mấy hôm nay vào mùa tuốt lá đào quá bận rộn nên cả gia đình chúng tôi đều phải mua cơm hộp mang theo ăn trưa ngoài đồng. Các cháu đi học về nhà cũng tự lo ăn, chứ vợ chồng tôi không thể nấu nướng cho chúng được...”.
Không ít người dân trồng đào ăn trưa ngay ngoài vườn để tranh thủ tuốt lá cho kịp thời vụ
Thăm Nhật Tân, một làng trồng hoa đào truyền thống lâu đời nổi tiếng của Hà Nội, với tuổi đời hơn 500 năm, vào những ngày đầu tháng 12 năm 2022 này, chúng tôi thấy người dân đang tất bật tuốt lá cho những cây hoa đào được trồng trên diện tích đất bãi bồi ven Sông Hồng. Chị Lê Thị Hạnh, nhà ở cụm 4, chủ nhân của vườn đào 150 gốc tại xóm ngoài đê cho biết, năm nay do sợ thời tiết sẽ nóng ấm nhiều nên người dân ở đây tuốt lá muộn hơn mọi năm chừng khoảng từ 7- 10 ngày, bởi họ sợ mất mùa vì đào nở trước Tết.
Chị Hạnh còn kể rằng, thông thường các gia đình sẽ chia lịch tuốt lá làm 3 đợt, với mỗi đợt cách nhau khoảng 5-7 ngày để đề phòng thất bát. Chúng ta biết rằng, người trồng hoa đào phục vụ tết chẳng khác gì “đánh bạc” với ông Trời, bởi chỉ cần đào nở quá sớm hoặc quá muộn là coi như người nông dân mất Tết, khi mà hoa bán rẻ như cho không. Còn nếu hoa nở bán trúng Tết thì người nông dân mới có thu, và cũng đồng nghĩa mới có… nụ cười. Chẳng vậy, giai đoạn căn thời gian và canh thời tiết để tuốt lá đào cũng là rất quan trọng, nó quyết định tới thành quả của cả một năm dài bỏ ra bao công sức chăm bón...
Quất cảnh vào thời điểm gò thế cây
Rời một số làng trồng hoa đào, chúng tôi ghé thăm “thủ phủ” của cây quất cảnh nổi tiếng là làng Tứ Liên và Quảng Bá, thuộc địa bàn 2 phường Tứ Liên và Quảng An, quận Tây Hồ. Khác với những người trồng hoa đào chỉ bỏ ra khoảng trên dưới chục ngày để tuốt lá, thì người nông dân trồng quất cảnh phải lăn lộn vất vả cả tháng trời tại vườn, ruộng, khi mùa gò thế cây, tạo dáng cho cây bắt đầu.
Quất cảnh, bonsai ở Quảng Bá, Tứ Liên đã bắt đầu lên chậu để chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết
Theo như lời kể của người trồng quất, để có một cây quất dáng đẹp nó đòi hỏi phải trải qua công đoạn gò thế tạo dáng. Công đoạn này người ta phải dùng dây thép loại nhỏ để buộc, níu các cành la cho gọn lại, rồi quả cũng được níu phân chia đều trên khắp bề mặt của cây. Công việc gò thế tạo dáng cây rất tỉ mỉ, lâu công, và người làm giỏi một ngày cũng chỉ tạo thế được vài ba cây là cùng. Chính vì vậy, với những hộ gia đình trồng vài ba trăm cây sẽ mất một khoảng thời gian khá nhiều cho công đoạn này. Bác Nguyễn Tuấn Hà, nhà ở cụm 7, phường Quảng An, kể: “Nhà tôi năm nào bước vào giai đoạn cuối năm cũng phải ăn cơm ngoài ruộng, vì trồng mấy trăm cây quất nếu không gò thế tạo dáng khẩn trương thì sẽ không kịp bán tết. Không chỉ có hai vợ chồng tôi, tôi còn huy động con rể, cháu ngoại ở làng bên sang làm hỗ trợ mới kịp...”.
Kế bên ruộng quất nhà bác Hà, bà Lê Thị Thắm, chủ vườn quất 250 cây cũng đang cặm cụi cùng chồng và hai người con gò thế tạo dáng cây. Bà Thắm bảo rằng nghề trồng quất vất vả quanh năm, tốn biết bao công sức cho việc vun trồng tưới tắm..., nhưng vất nhất là giai đoạn cuối năm khi vào mùa gò thế tạo dáng cho cây. Bà Thắm cho hay, nếu thanh niên trẻ khỏe có thể gò được 3-5 cây một ngày, thì những người già mắt mờ tay chân chậm như vợ chồng bà chỉ có thể làm được vài cây là cùng. Rồi bà Thắm cũng cho biết, khi gò thế tạo dáng cây xong, phải có khoảng 15 ngày trở ra để cây quất phát triển tự nhiên, không co cúm, gò bó..., vì vậy người trồng quất phải làm sao đấy nhanh chóng hoàn thành công việc gò thế tạo dáng cây trước Rằm tháng Chạp để chuẩn bị bán Tết.
Ngoài công việc gò thế tạo dáng, tại làng quất cảnh Tứ Liên, những ngày đầu tháng 12 năm 2022 này, chúng tôi cũng bắt gặp không ít các hộ gia đình trồng quất cảnh bonsai đã, đang bứng cây vào chậu, bĩnh, hũ…, để cho bộ rễ của chúng được ổn định trước khi bán cho người mua chơi chưng Tết. Anh Hoàng Văn Kính, người chuyên trồng quất bon sai loại to lẫn nhỏ kể: “Quất bonsai không mất nhiều công gò thế tạo dáng, mà thường người chơi thích dáng thế lông tông, phát triển tự nhiên... Thế nhưng, mùa cuối năm gia đình tôi cũng sẽ vất vả hơn khi phải đánh cây trồng vào chậu. Rồi sau khi cây vào chậu rồi, phải chăm cây, tưới cây làm sao để chúng không bị chết. Tiếp nữa, công đoạn trồng cỏ trên mặt gốc cây, rải sỏi trang trí trên bồn chậu cây..., cũng tốn khá nhiều thời gian...”.
Ngoài đào, quất cảnh ra thì vào mùa cuối năm, người nông dân tại các làng hoa khác ở ven đô cũng đã, đang hối hả bắt tay vào trồng, chăm bón những loại hoa trang trí, hoa phụ như: hồng, cúc, lay ơn, lyly, thược dược, violet... để phục vụ nhu cầu mua sắm hoa tươi tăng cao của người dân trong dịp Tết đến Xuân về!
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hải
Bình luận