Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ năm, 02/12/2021 22:12
TMO - Dù đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, đầu tư dây chuyền sản xuất tạo nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang hoạt động cầm chừng, thậm chí giải thể.
Theo thống kê, hiện Cao Bằng có 122 HTX, trong đó có 107 HTX hoạt động trung bình, khá, tốt, 15 HTX ngừng hoạt động. Hầu hết các HTX nông nghiệp thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, sản phẩm đầu ra chưa thành hàng hóa, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, trình độ, năng lực quản lý của một số HTX còn hạn chế, việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm chưa đáp ứng với cơ chế thị trường hiện nay. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bệnh dịch tả lợn châu Phi, một số HTX gặp nhiều khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi, nguồn vốn, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm…
Trại Lợn thương phẩm của Hợp tác xã Thắng Lợi (Hà Quảng).
Giám đốc HTX Thắng Lợi (Hà Quảng) Lý Thị Nga chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch bệnh HTX gặp rất nhiều khó khăn, tình hình tiêu thụ lợn thương phẩm bị giãn đoạn, chi phí đầu tư cho sản xuất tăng cao so với mọi năm. HTX thiếu nguồn vốn lưu động để đầu tư trang trại, duy trì hoạt động sản xuất, trả lương cho người lao động, mua thức ăn gia súc, gia cầm... Trong năm 2021, HTX có hơn 300 con lợn thịt, 52 con lợn nái, vừa qua mới xuất bán ra thị trường trên 10 tấn lợn thịt.
Nhìn chung, số lượng, chất lượng và quy mô hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh dần thu hẹp. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ manh mún, nhỏ lẻ, không có tính bền vững; một số ít HTX còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; việc nắm bắt thông tin thị trường, giá cả chậm, chưa chủ động trong liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trình độ quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu, kinh nghiệm, kiến thức tổ chức sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Đặc biệt, phần lớn HTX đều thiếu vốn lưu động đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khó tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Do không có nhiều tài sản thế chấp để vay vốn dẫn đến nhiều HTX chỉ thành lập trên “giấy tờ” mà chưa hoạt động hoặc chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất, thiếu sự quan tâm trong khâu tiêu thụ sản phẩm, không phát huy được hiệu quả chuỗi giá trị... Những nguyên nhân trên khiến nhiều HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, yếu kém; tình trạng nợ đọng kéo dài, hoạt động chỉ mang tính hình thức đã ngừng hoạt động, như: HTX chế biến miến dong Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình), HTX Nông lâm nghiệp, xã Vĩnh Phong (Bảo Lâm), HTX Quýt, xã Quang Hán, HTX An Thịnh, xã Quang Vinh (Trùng Khánh)…
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đàm Văn Độ cho biết: Ngoài sự hỗ trợ từ Trung ương, Liên minh HTX tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Chỉ đạo các HTX trên địa bàn chủ động tìm kiếm thị trường liên kết tiêu thụ sản xuất. Trong đó, các HTX dịch vụ nông nghiệp là đầu mối, trung gian để kết nối giữa doanh nghiệp và người dân trong việc cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và bao tiêu nông sản. Tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX được tiếp cận những chính sách từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, các chương trình hỗ trợ theo chuỗi giá trị và mô hình HTX kiểu mới, góp phúc đẩy HTX nông nghiêp hoạt động hiệu quả, bền vững.
Nguyễn Mạnh
Bình luận