Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 02:01
Thứ sáu, 22/07/2022 12:07
TMO - Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, châu Phi là thị trường có nhu cầu lớn về mặt hàng cà phê. Hàng năm, quốc gia này dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu cà phê, trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính.
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, với lợi thế địa lý có diện tích rộng trên 30 triệu km2, dân số trên 1,4 tỷ người và nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, khối thị trường châu Phi là những thị trường đa dạng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng cà phê.
Tuy nhiên, để xuất khẩu cà phê sang châu Phi, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như: vấn đề vận chuyển và bảo quản hàng phù hợp để di chuyển qua chặng đường xa, nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, luật lệ trong thương mại của hầu hết quốc gia châu Phi còn chưa phát triển như các thị trường ở châu Âu, châu Mỹ.
Tại châu Phi, Algeria là thị trường có nhu cầu nhập khẩu cà phê rất lớn, mỗi năm khoảng 120.000 tấn. Đây cũng là thị trường phụ thuộc hoàn toàn vào lượng cà phê nhập khẩu do nước này không thể tự sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này đạt 21.164 tấn, tương ứng 42,8 triệu USD, giảm 14% về lượng nhưng tăng 7% về giá trị, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Theo Hải quan Việt Nam năm 2021, xuất khẩu cà phê sang Algeria đạt 56.545 tấn, giảm 6,8% về số lượng nhưng kim ngạch vẫn tăng 6,3%, đạt trị giá 99,68 triệu USD, chiếm tới 65% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria. Kim ngạch trên đã đưa Algeria là một trong 10 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối các doanh nghiệp Việt Nam là Algeria đánh thuế nhập khẩu cà phê tương đối cao, lên tới 63%, bao gồm 30% thuế nhập khẩu hàng hóa, VAT 19%, thuế tiêu thụ nội địa 10%, thuế đoàn kết 2%, thuế khấu trừ 2%. Quốc gia này chủ trương chỉ cho nhập khẩu hàng nguyên liệu nên các thương hiệu cà phê chế biến của các doanh nghiệp Việt chưa xuất hiện tại thị trường này.
Ngoài ra, phía Algeria có nhiều yêu cầu khắt khe đối với mặt hàng cà phê rang xay, chế biến như không thêm lượng đường vượt quá 3% lượng cà phê rang xay; hàm lượng nước hay độ ẩm dưới 12,5%; cho phép trộn lẫn các loại cà phê (Arabica, Robusta) và cà phê của các nước (Brazil, Colombia, Việt Nam…).
Tương tự Algeria, thuế nhập khẩu cà phê vào thị trường Maroc cũng có sự chênh lệch lớn giữa cà phê thô và cà phê chế biến. Trong đó, tổng thuế nhập khẩu cà phê thô là 25% và cà phê chế biến tới 71%.
Mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, tuy nhiên châu Phi vẫn là thị trường còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt. Nguyên nhân được cho là, do đặc điểm khí hậu, trình độ canh tác thấp nhiều quốc gia khu vực châu Phi không trồng và chưa phát triển được ngành cà phê. Trong khi nhu cầu tiêu dùng lớn, buộc phải nhập khẩu.
Bên cạnh đó, thị trường các quốc gia trong khu vực châu Phi được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng về tập quán kinh doanh, nhu cầu nhập khẩu, chính sách xuất nhập khẩu và các quy định về tiêu chuẩn sản phẩm với Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Số liệu thống kê cho thấy, thị trường Algeria nhập khẩu 100% cà phê phục vụ tiêu dùng trong nước, khoảng 120.000 tấn/năm, trị giá 300 triệu USD/năm; thị trường Maroc nhập khẩu ổn định với giá trị 100 triệu USD/năm; Thị trường Ai Cập năm 2021 nhập khẩu 42.000 tấn cà phê; Sudan nhập khẩu 48.400 tấn cà phê. Việc tận dụng được những lợi thế tại nhóm thị trường Châu Phi sẽ giúp cà phê Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại khu vực này.
Tại Phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Phi diễn ra ngày 21/7, Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, tìm ra những mặt hàng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường mà còn giải quyết được các bài toán liên quan đến các khâu logistics cho hàng thực phẩm.
Đại diện các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Phi đã đưa ra những khuyến cáo tương đồng giúp doanh nghiệp xuất khẩu tránh rủi ro trong quá trình kinh doanh. Theo đó, trước khi tiến hành giao dịch, doanh nghiệp đề nghị đối tác cung cấp giấy phép kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để khi cần các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ xác minh.
Phương thức thanh toán nên sử dụng tín dụng chứng từ L/C không huỷ ngang, trong đó có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu, châu Mỹ hoặc nhờ thu chứng từ qua ngân hàng, trong đó đề nghị khách đặt cọc ít nhất 25-30% giá trị đơn hàng. Khi ký hợp đồng, có điều khoản ràng buộc rõ ràng với đối tác trong trường hợp hàng đến cảng chưa thể thông quan phải nằm kho bãi lâu ngày do chậm thanh toán từ phía đối tác. Hạn chế tối đa ký hợp đồng thông qua môi giới.
Ngoài ra, khi có phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp liên lạc ngay với các cơ quan liên quan, như Thương vụ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để được hỗ trợ và có giải pháp tối ưu nhất, tránh kéo dài gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, có trường hợp không thể xử lý được.
Thanh Nga
Bình luận