Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 08:01
Thứ hai, 02/05/2022 11:05
TMO - Sau gần 35 năm tiến hành đổi mới đất nước, ngành Nông nghiệp luôn thể hiện tốt vai trò là trụ đỡ, đồng thời là ngành có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ, đặt nông nghiệp Việt Nam trước những thời cơ và thách thức mới. Để xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại thì nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao là yếu tố then chốt tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao là bộ phận ưu tú nhất trong nguồn nhân lực của đất nước, lực lượng giữ vai trò nòng cốt quyết định đến trình độ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao với những người lao động có phẩm chất và thể lực tốt, có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật nông nghiệp cao, kỹ năng lao động giỏi, nhạy bén, sáng tạo, thích ứng nhanh và làm chủ những thành tựu của khoa học và công nghệ nông nghiệp hiện đại là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam hiện nay. Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao để bảo đảm cho sự thành công của công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế, là bước đi mang tính mở đường để xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và phát triển bền vững.
Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao những năm gần đây đã có bước phát triển đáng kể. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo nghề ở khu vực nông thôn tăng từ 8,5% năm 2010 lên 16,3% năm 2020. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đã qua đào tạo tăng từ 4,3% năm 2015 lên 4,6% năm 2020. Năng suất lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng từ 30,8 triệu/lao động năm 2015 lên 52,7 triệu/lao động năm 2020. Sự phát triển của nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao đã góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thực hiện tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trước yêu cầu của thời kỳ mới, sự phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nhận thức, trách nhiệm, nội dung và hình thức biện pháp thực hiện. Công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao còn lãng phí, hiệu quả chưa cao.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đào tạo nghề nông thôn đạt trên 50%. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, con số này mới đạt 44,5% (tính tất cả các loại hình đào tạo). Nếu tính riêng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động. Chất lượng đào tạo nghề thấp chưa tạo ra bước đột phá để tăng năng suất lao động trong nội ngành, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở nước ta thời gian qua.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển trong điều kiện mới, ngành Nông nghiệp cần hướng đến một nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tri thức, ứng dụng công nghệ cao để sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thái Hùng
Bình luận