Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 19:11
Chủ nhật, 27/08/2023 14:08
TMO – Nông dân sẽ được tham gia tập huấn hướng dẫn những nông dân chưa được tham gia cùng nhau ứng dụng tốt chương trình IPHM thực tế trên đồng ruộng. Mỗi năm thực hiện 2 mô hình tại các quận huyện, mỗi mô hình có 30 người tham gia với 3 lần được tập huấn theo suốt mùa vụ cây trồng.
Cần Thơ đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ về xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong sản xuất lúa, cây ăn trái và rau màu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030. Trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức về IPHM; Xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM; đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất và rà soát bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng IPHM.
Về nhiệm vụ xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất, Cần Thơ có kế hoạch mỗi năm thực hiện 39 mô hình; trong đó, có 20 mô hình trồng lúa với quy mô mỗi mô hình là 2 ha; 15 mô hình trồng cây ăn trái và 4 mô hình trồng rau với quy mô mỗi mô hình là 1 ha.
Vú sữa - một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Phong Điền, Cần Thơ.
Để xây dựng và nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân”, ngành nông nghiệp thành phố sẽ cho những nông dân được tham gia tập huấn hướng dẫn những nông dân chưa được tham gia cùng nhau ứng dụng tốt chương trình IPHM thực tế trên đồng ruộng. Mỗi năm thực hiện 2 mô hình tại các quận huyện, mỗi mô hình có 30 người tham gia với 3 lần được tập huấn theo suốt mùa vụ cây trồng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố cũng sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết về các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm tuyên truyền thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng.
Trước đó TP. Cần Thơ đã phê duyệt kế hoạch xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong sản xuất lúa, cây ăn trái và rau màu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030. Theo kế hoạch, TP. Cần Thơ đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng, tổng hợp IPHM nhằm chủ động phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chỉ phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đến năm 2030, sẽ có trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM. Đào tạo giảng viên và hướng dẫn viên với số lượng ít nhất là 5 giảng viên IPHM cấp quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp thành phố; mỗi xã ít nhất có 2 hướng dẫn viên IPHM và 5 nông dân IPHM nòng cốt. Đến năm 2030, thành phố có 70% diện tích cây ngô, cây công nghiệp và 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh ứng dụng IPHM, trên 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.
TP Cần Thơ nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Trung tâm kinh tế miền Tây Nam Bộ) với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương này. Năm 2023 ngành nông nghiệp Cần Thơ đề ra mục tiêu tăng trưởng (GRDP) khu vực nông lâm, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2-2,5%. Trong năm công nhận 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 91%. Diện tích sản xuất lúa cả năm đạt 204.430ha, với sản lượng trên 1,22 triệu tấn, sản xuất cây hằng năm đạt 14.375ha, với sản lượng 153.000 tấn. Diện tích nuôi thủy sản đạt 8.300ha, với sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 214.000 tấn. Ngành Nông nghiệp Cần Thơ xác định tiếp tục bám chặt các định hướng, quy hoạch phát triển ngành và các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Trung ương và thành phố giao để tập trung thực hiện tốt. Nỗ lực hướng đến phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, tuần hoàn giảm phát thải, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Phương Thùy
Bình luận