Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ sáu, 23/08/2024 07:08
TMO - Từ vụ Hè Thu 2024, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải. Mô hình này không chỉ giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo mà còn là mô hình điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả để nhân rộng, phát triển mô hình trong những vụ lúa tiếp theo.
Tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, vụ Hè Thu 2024, tại Trà Vinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai 2 mô hình thí điểm tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài, xã Thanh Mỹ và Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành với diện tích tham gia 50 ha mỗi hợp tác xã.
Đây là 2 trong 7 hợp tác xã ở 5 tỉnh, thành phố được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm mô hình thí điểm canh tác theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp để nhân rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình được thực hiện liên tiếp 3 vụ, sau vụ Hè -Thu 2024, sẽ tiếp tục thực hiện ở vụ lúa Thu - Đông năm 2024 và vụ lúa Đông - Xuân 2024 - 2025.
Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài hiện có 94 thành viên, với tổng diện tích canh tác 150 ha. Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo có 60 thành viên, với tổng diện tích canh tác 650 ha, đây là 2 hợp tác xã điển hình tiêu biểu ở Trà Vinh và luôn đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành.
Theo đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài, trước khi thực hiện mô hình các thành viên Hợp tác xã được Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia tập huấn hướng dẫn ngay từ đầu vụ về quy trình quản lý rơm rạ, quy trình canh tác lúa bền vững để giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng nước tưới so với canh tác truyền thống... góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải tại Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành.
Trong vụ Hè Thu 2024, Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài sử dụng giống lúa OM 5451, Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo sử dụng giống lúa ST24. Mô hình áp dụng sạ hàng bình quân 70 kg/ha, giảm 100 kg/ha so với ngoài mô hình; lượng phân bón hóa học giảm 20%; giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 2 lần/vụ; đồng thời quản lý nước ngập khô xen kẽ... nên chi phí đầu tư giảm trên 3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Bên cạnh đó, nhờ sạ thưa nên lúa không bị đổ ngã, tỷ lệ hạt chắc cao, ít hạt lép, trọng lượng hạt nặng. Vụ Thu Đông này, Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài sẽ nhân rộng, phát triển lên 500 ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh cho biết, 2 mô hình điểm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh mang lại hiệu quả rất cao về kinh tế và môi trường so với tập quán canh tác cũ. Cụ thể, mô hình giảm khoảng 60% lượng giống; giảm 20 - 30% phân bón hoá học, giảm chi phí thuốc thuốc bảo vệ thực vật và số lần phun giảm ít nhất 2 lần/vụ; giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, năng suất lúa tăng trên 5% so với ngoài mô hình. Vì vậy, nông dân đạt lợi nhuận tăng thêm từ 5,6 - 7,6 triệu đồng/ha. Cùng với đó, chất lượng lúa gạo tăng, giảm lượng phát thải, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Vụ Thu Đông 2024, ngoài 2 mô hình điểm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư từ vụ lúa Hè Thu 2024, tỉnh Trà Vinh sẽ xây dựng thêm 6 mô hình điểm tại 6 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh để trình diễn, nhân rộng trên địa bàn, với diện tích 50 ha/mô hình. Các mô hình này sẽ xuống giống từ ngày 10 - 25/9. Đến vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, diện tích trồng lúa theo Đề án đạt 7.245 ha; trong đó, huyện Càng Long 500 ha, Cầu Kè 650 ha, Tiểu Cần 1.288 ha, Châu Thành, 1.240 ha, Trà Cú 2,710 ha, Cầu Ngang 857 ha.
Những diện tích sản xuất trong đề án sẽ canh tác theo hướng bền vững, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 - 100 kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững, như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích; 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng.
Theo tính toán, các vùng chuyên canh theo đề án giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%; trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%. Lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 10% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh lúa gạo của tỉnh.
Vụ Thu Đông 2024, tỉnh Trà Vinh sẽ xây dựng thêm 6 mô hình điểm tại 6 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh.
Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao được triển khai thực hiện tại 12 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang và Cà Mau. Thực hiện Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan triển khai các mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải từ vụ lúa hè thu 2024.
Có 5 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long được chọn để thực hiện mô hình thí điểm, gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh. Mỗi địa phương thực hiện 1 mô hình thí điểm, với diện tích khoảng 50ha. Qua đó, có mô hình cụ thể tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, phát thải thấp và từ đó cũng làm “điểm” để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả để nhân rộng mô hình, phát triển quy mô thực hiện những năm tiếp theo.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.
Tỉnh Trà Vinh đang tập trung xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp; phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.550 ha, năm 2030 đạt 30.736 ha tại 42 xã của 6 huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang. Theo đó, 30.736 ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp năm 2030 ở Trà Vinh sẽ canh tác theo hướng bền vững.
UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, việc tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững theo đề án sẽ giúp tăng giá trị và phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Trà Vinh sẽ thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tham gia đề án; các chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia Đề án, như hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu gạo phát thải thấp tại thị trường trong nước và quốc tế.
Địa phương này cũng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và phát triển thị trường sản phẩm gạo chất lượng cao và phát thải thấp của tỉnh. Các hộ trồng lúa tham gia đề án được ưu tiên đào tạo tập huấn, vay vốn ưu đãi từ các chính sách tín dụng của nhà nước và được hưởng lợi ích từ việc bán tín chỉ carbon. Ngoài ra, các hợp tác xã, tổ hợp tác còn được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí, kỹ thuật xây dựng các mô hình thí điểm.../.
Thanh Hoa
Bình luận