Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ ba, 24/05/2022 12:05
TMO - Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đang đẩy mạnh các giải pháp, khuyến khích các địa phương sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nguồn sản phẩm sạch, an toàn.
Hiên nay, tỉnh Bạc Liêu có gần 40.000 ha áp dụng mô hình tôm lúa, nông dân sản xuất thu lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nên chất lượng con tôm, hạt lúa được nâng lên. Mô hình tôm lúa được các nhà khoa học, chuyên gia đánh giá là thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Từ đó, tỉnh đầu tư các công trình và khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất mô hình lúa thơm - tôm sạch.
Mô hình lúa tôm canh tác theo hướng hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho nông dân
Thời gian qua, tỉnh đã và đang quy hoạch, xây dựng, phát triển mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Địa phương này phấn đấu đến 2025, thực hiện sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt khoảng 41.000 ha. Đồng thời sản xuất 8.000 ha tôm sạch - lúa thơm an toàn trên vùng tôm - lúa ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu còn triển khai mô hình cánh đồng lớn áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, chương trình IPM; mô hình ruộng lúa bờ hoa nhằm hướng đến sản xuất lúa an toàn nâng cao giá trị sản phẩm. Điển hình là mô hình tôm lúa, nông dân sẽ dùng phân hữu cơ thay thế phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho ra hạt gạo sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhất là trong lĩnh vực sản xuất lúa, Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu triển khai mô hình canh tác lúa thông minh theo hướng hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn liên kết bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, chỉ tính riêng vụ Đông -Xuân 2021-2022, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện quy mô 300 ha tại các huyện Phước Long, Hòa Bình và Vĩnh Lợi.
Trong quá trình sản xuất, thành viên trong mô hình được Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống và thuốc bảo vệ thực vật theo công nghệ sinh học. Qua thực hiện mô hình cho thấy, chi phí sản xuất giảm từ 10 - 20%, lúa ít sâu bệnh, phát triển tốt, năng suất vẫn bảo đảm từ 6,5 - 7,5 tấn/ha.
Tỉnh Bạc Liêu mở rộng diện tích mô hình cánh đồng lớn. Ảnh: Quốc An
Nhờ vậy, chi phí sản xuất đã giảm được khoảng 4 đến 5 triệu đồng/ha, đồng thời còn góp phần bảo vệ môi trường do giảm không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nhờ canh tác lúa theo tiêu chuẩn an toàn nên giá thành lúa thương phẩm cũng cao hơn so với lúa sản xuất truyền thống.
Ngành nông nghiệp địa phương đang hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế đến mức tối thiểu gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường...
Hồng Thắm
Bình luận