Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ năm, 13/10/2022 12:10
TMO - Trong bối cảnh của nền kinh tế mở định hướng thị trường, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản ngày càng tăng, việc nhận diện thách thức, tháo gỡ khó khăn trong phát triển thủy sản được đánh giá là hướng đi đúng đắn, mang tầm chiến lược.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện Việt Nam có hơn 830 nhà máy chế biến thủy sản đạt quy mô công nghiệp và trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của thế giới. Trong 3 năm qua, thủy sản luôn đứng trong tốp 10 ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, ngành thủy sản đã tạo việc làm và sinh kế cho hơn 4 triệu lao động trực tiếp. Tính đến hết tháng 9 năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra.
Để hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững cần đồng bộ các giải pháp từ nguồn giống, kỹ thuật, kiểm soát các yếu tố môi trường...
Tuy nhiên, hiện nay ngành thủy sản Việt Nam đặc biệt là hoạt động khai thác biển đang đối diện với nhiều khó khăn, rủi ro. Nguồn lợi hải sản khai thác từ biển suy giảm, nguy cơ cạn kiệt. Trong khi giá xăng dầu tăng cao khiến lợi nhuận đánh bắt sụt giảm hoặc thua lỗ...Thực trạng này đòi hỏi cần tìm giải pháp chuyển đổi chuyển từ khai thác sang nuôi trồng. Đồng thời quản lý chặt chẽ theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản để cải thiện chuỗi giá trị.
Cùng với các khu vực khác trên cả nước, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy hải sản tại ĐBSCL đạt nhiều bước tiến vượt bậc. Đây là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước khi đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% các loại trái cây, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, ngành thủy sản của vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: Chất lượng tăng trưởng giảm, năng suất lao động thấp, cấu trúc nền kinh tế chưa thật sự ổn định, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, người lao động còn di cư đến các thành phố lớn và các trung tâm kinh tế ngày một gia tăng...
Mới đây, tại hội thảo về “Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới”, nhiều ý kiến cho rằng để phát triển ngành nuôi trồng phát triển cần có chiếc lược và giải pháp. Trong nuôi trồng thủy sản, việc áp dụng công nghệ mới, chủ động đối phó ngăn ngừa dịch bệnh được nhấn mạnh là giải pháp quan trọng. Nhất là trước bối cảnh giá vật tư tăng cao là thách thức hạ giá thành nuôi tôm, nuôi cá so với các nước cạnh tranh cùng ngành hàng.
Một trong những nhiệm vụ cần quan tâm là kiểm soát tốt hơn các cơ sở sản xuất, cung ứng con giống; chú trọng quy hoạch và định kỳ rà soát quy hoạch đã có, trên nền tảng đó quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư thủy lợi; quản lý sử dụng đất cho nuôi trồng thủy sản bảo đảm nguyên tắc lâu dài, bảo tồn hệ sinh thái, hạn chế được các tác động xâm hại môi trường nước.
Đồng thời, khuyến khích phát triển vùng nuôi kết hợp cung cấp cho xuất khẩu và thị trường nội địa; gia tăng diện tích nuôi tôm quy mô trang trại; quy hoạch các vùng nuôi tôm rừng, tôm lúa đi kèm chứng nhận bền vững thể hiện tính đặc thù của mô hình nuôi…
Ngành nuôi trồng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu chế biến
Phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; xây dựng định hướng xuất khẩu cụ thể đối với sản phẩm thủy sản tương ứng với từng thị trường; thúc đẩy quá trình đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu.
Đa dạng sản phẩm chế biến từ các đối tượng nuôi truyền thống, đối tượng mới đồng thời xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, ưu tiên cho những sản phẩm thủy sản chủ lực, đáp ứng về yêu cầu chất lượng mẫu mã và quy cách sản phẩm thủy sản của các thị trường tiêu thụ… từ đó tạo động lực cho ngành nuôi trồng Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới.
Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,7 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 37-39%.
Trong đó, ngành Nông nghiệp nhấn mạnh tới tới mục tiêu từ nay đến năm 2030 giảm tỷ lệ khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và phải thúc đẩy phát triển thủy sản theo hướng bền vững bền vững. Các đơn vị, các địa phương có biển tăng cường thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn luật và đặc biệt là các khuyến nghị của EC.
Bích Thùy
Bình luận