Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 27/04/2025 21:04
Chủ nhật, 27/04/2025 09:04
TMO - Các chuyên gia y tế cho biết, mùa hè chính là thời điểm bệnh dại dễ bùng phát. Nắng nóng khiến chó dễ kích động, hung dữ, trong khi tình trạng thả rông vật nuôi không tiêm phòng vẫn phổ biến ở nước ta.
Theo Bộ Y tế, từ tháng 4 đến tháng 8 là giai đoạn ghi nhận số ca tử vong vì bệnh dại cao nhất trong năm, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và miền Bắc. Theo các chuyên gia, bệnh dại không phân biệt mùa mà xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, trong mùa nắng nóng, tần suất và mức độ lây lan của bệnh dại có xu hướng tăng cao. Nhiệt độ cao khiến vật nuôi như chó, mèo dễ trở nên kích động, hung dữ và thường rời khỏi khu vực cư trú để tìm nước, thức ăn. Trong khi đó, người dân, nhất là trẻ em lại thích chơi đùa ngoài trời, tiếp xúc gần làm tăng nguy cơ bị chó, mèo cắn.
Virus dại có quá trình ủ bệnh rất phức tạp, trung bình thường là 2 - 3 tháng nhưng nhiều trường hợp có thể chỉ trong vòng 7 - 10 ngày và cũng có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm. Bệnh dại có giai đoạn ủ bệnh khi virus đã xâm nhập cơ thể, nhưng chưa tấn công hệ thần kinh trung ương. Giai đoạn này thường kéo dài 20 - 60 ngày, phần lớn dưới 90 ngày. Tuy nhiên, có trường hợp ghi nhận ủ bệnh kỷ lục đến 25 năm thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí, tình trạng, số lượng vết cắn, lượng virus đi vào cơ thể.
Người dân nuôi chó, mèo cần chú ý tiêm vaccine phòng dại đầy đủ.
Quá trình này càng ngắn nếu vết cắn càng sâu, nhiều vết cắn, chảy máu, gần khu vực thần kinh trung ương như vùng đầu mặt cổ, đầu các ngón tay, ngón chân. tốc độ di chuyển của virus dại ước tính từ 12 - 24 mm mỗi ngày. Điều này lý giải vết thương ở vùng đầu hoặc đầu dây thần kinh, đầu các chi, virus sẽ phát tán và đến não nhanh hơn.
Nếu vết thương ở xa đầu nút thần kinh, virus vẫn di chuyển dọc theo dây thần kinh và tấn công não. Quá trình này có thể mất nhiều tháng, dài nhất có thể lên đến vài năm, tốc độ phụ thuộc vào mức độ tổn thương nông hay sâu, số lượng virus đi vào cơ thể… Nhiều người sau vài tuần bị chó cắn thấy cơ thể khỏe mạnh nên chủ quan không tiêm phòng, không theo dõi con vật hoặc quên mất đã bị chó, mèo tấn công. Tuy nhiên, khi phát bệnh dại, 100% người bệnh và động vật sẽ tử vong.
Cách phòng ngừa bệnh dại duy nhất hiện nay là tiêm vaccine dại ngay sau khi bị động vật cắn hoặc cào, tiêm đủ liều và đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Sau đó, đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Bên cạnh đó, người dân nuôi chó, mèo cần chú ý tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Khi nuôi chó phải xích và nhốt cẩn thận, khi ra đường phải mang rọ mõm và đeo dây dẫn để ngăn chặn nguy cơ cắn người xung quanh./.
Trần Hoàng
Bình luận