Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 09:11
Chủ nhật, 17/07/2022 12:07
TMO - Hạt Kiểm lâm thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một cá thể kỳ đà vân quý hiếm từ một người dân trên địa bàn chuyển giao.
Cá thể kỳ đà vân quý hiếm này do anh Trần Văn Sơn (trú tại TP.Huế) tình cờ phát hiện và mua lại từ một nhóm thanh niên. Lúc đó, nhóm thanh niên đang vây bắt cá thể kỳ đà này tại một đoạn dọc kinh thành Huế.
Thời điểm tiếp nhận, cá thể kỳ đà trong tình trạng sức khỏe tốt, nặng 5 kg. Theo Hạt Kiểm lâm TP.Huế, đây là loài kỳ đà vân, nằm trong nhóm hoang dã thuộc lớp bò sát được bảo vệ ở cấp độ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Cá thể kỳ đá vân quý hiếm được người dân giao nộp
Hạt Kiểm lâm thành phố Huế đang tiến hành chăm sóc, nuôi dưỡng, đồng thời hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, thả cá thể kỳ đà này về với môi trường tự nhiên.
Trước đó, cũng trong chiều ngày 16/7, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng đã tiếp nhận 1 cá thể tê tê Java trọng lượng 3,8kg (tên khoa học là Manis javanica) từ một người dân. Cá thể tê tê này do ông Phan Phú Hồng Tân (trú tại P.Phú Bài, TX.Hương Thủy) tình cờ phát hiện ven đường. Cá thể tê tê này là một trong số loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB được ưu tiên bảo vệ.
Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy tiếp nhận 1 cá thể tê tê Java quý hiếm từ người dân
Trong những năm qua tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã vẫn còn xuất hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhằm bảo vệ những loài động vật quý hiếm này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong giám sát, quyết liệt xử lý những hành vi liên quan đến tình trạng trên.
Gần đây nhất, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế đã công bố đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh vi phạm về động vật hoang dã của người dân, tổ chức, đơn vị… qua nhiều kênh liên lạc như điện thoại vào đầu số 0844773030.
Thông qua đường dây nóng, nhân viên tiếp nhận thông tin từ người dân về địa điểm, thời gian, đối tượng vi phạm, hành vi, loài động vật, số lượng, phương tiện sử dụng... Thông tin tiếp nhận được chuyển cho trưởng các phòng chức năng của Chi cục Kiểm lâm để phân tích. Sau đó sẽ chuyển cho các bộ phận, đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Kết quả xử lý của các bộ phận, đơn vị được thông báo cho nhân viên trực đường dây nóng để cập nhật dữ liệu và phản hồi cho người báo tin.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp với Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT thực hiện, các nhóm bảo tồn cộng đồng đã được thành lập trên địa bàn tỉnh.
Đây được coi là cầu nối để truyền tải các thông điệp về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã tại địa phương. Các nhóm sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, hoặc lồng ghép các hoạt động ở thôn, bản nhằm tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần giảm thiểu hành vi săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.
Thư Lê
Bình luận