Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ sáu, 13/09/2024 14:09
TMO - Trong những năm qua ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai nhiều dự án liên quan đến bảo tồn, phát triển các nguồn gen bản địa cây nông nghiệp, cây dược liệu và vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Điều này không những có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học mà còn có giá trị rất lớn về phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với ba vùng sinh thái rõ rệt gồm miền núi, trung du và đồng bằng ven biển, được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Trong đó, miền Tây Nghệ An có Khu dự trữ sinh quyển của thế giới với tổng diện tích lên tới 1,3 triệu ha, là hành lang xanh kết nối 3 vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, với gần 2.500 loài thực vật bậc cao, hơn 1.000 loài động vật.
Do có sự đa dạng về nguồn gen cây, con bản địa nên nhiều sản phẩm đặc sản nổi tiếng đã được hình thành và phát triển ở Nghệ An như Cam Vinh, Cam bù Sen, Bưởi hồng Quang Tiến, Trám đen, Gà đồi, Trâu Thanh Chương, Vịt bầu Quỳ, Lạc sen, Lợn đen Sao Va. Nhiều cây dược liệu quý cũng đã được phát triển phục vụ chăm sóc sức khỏe như Sâm Puxailaileng, Đẳng sâm, Mú từn, Trà hoa vàng, Giảo cổ lam, Chè dây thìa canh, Trà lá sen.
Giống cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện Quế Phong cho hiệu quả kinh tế vượt trội.
Theo đánh giá của ngành chức năng, các nguồn gen cây, con bản địa có nhiều ưu điểm như phẩm chất tốt, khả năng chống chịu tốt với dịch bệnh, khí hậu khắc nghiệt. Đây chính là nguồn nguyên liệu quý để chọn tạo và cải tiến các giống cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, các nguồn gen cây, con bản địa, quý hiếm đang đối mặt với nhiều áp lực của suy thoái, suy giảm về chất lượng và số lượng.
Công tác bảo tồn nguồn gen cây, con bản địa, đặc sản quý hiếm đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt và chỉ đạo triển khai qua các Đề án: “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020” theo Quyết định số 5529/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 và “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 3445/QĐ- UBND ngày 5/10/2021.
Từ chủ trương trên, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN) tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị, các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp và các khu bảo tồn để thực hiện các Đề án. Theo báo cáo của Trung tâm, đơn vị thực hiện đề án đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen từ năm 2014- 2020, Nghệ An đã thu thập 40 nguồn gen quý, hiếm, là những nguồn tài nguyên cây trồng, vật nuôi và dược liệu quý báu không những có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học mà còn có giá trị rất lớn về phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nơi có nguồn gen.
Trong 6 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt bổ sung 17 nguồn gen loài cây dược liệu và cây lương thực quý, hiếm vào danh mục, góp phần bảo tồn và phát triển một số nguồn gen đang có nguy cơ bị mất; khôi phục và bảo vệ một số nguồn gen được xác định ưu tiên, các nguồn gen đang bị giảm về số lượng trong sản xuất, đặc biệt một số nguồn gen quý hiếm của một số giống cây trồng bản địa và giống dược liệu quý hiếm Sâm Puxailaileng, đẳng sâm, chè hoa vàng…
Đặc biệt, từ kết quả bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi và dược liệu, một số loài dược liệu quý, đặc hữu của Nghệ An đã chuyển sang khai thác, phát triển và tạo sản phẩm thương mại, như cây trà hoa vàng Quế Phong, dây thìa canh, giảo cổ lam…, từ các sản phẩm chế biến đã góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho nguồn gen dược liệu. Các nguồn gen cây ăn quả đã được khai thác và phát triển hiệu quả như Cam bù Sen/Cam bù Kim Nhan ở Anh Sơn, Xoài Tương Dương, Hồng Nam Đàn, Bưởi bản địa Cát Ngạn.
Điển hình là phát triển nguồn gen Cam bù Sen, là loại quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, ít bệnh, năng suất cao, đạt 12- 15 tấn/ha. Từ nguồn mắt ghép của 30 cây đầu dòng được tuyển chọn, đã sản xuất được 10.000 cây giống và trồng mới được 9,5ha, nâng tổng diện tích trồng Cam bù Sen của của toàn huyện lên 23ha. Cây Măng Loi cũng cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Diện tích khoanh nuôi, bảo vệ Măng Loi đạt 3ha, khai thác được 19,5 tấn măng tươi và chế biến được gần 1,4 tấn sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong hai năm thực hiện dự án, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân.
Các giống cây dược liệu quý hiếm trên địa bàn được bảo tồn, phát triển sản xuất.
Hiện nay nhiều sản phẩm xuất phát từ khai thác nguồn gen đã được đầu tư bài bản để tạo ra các sản phẩm thương mại, đảm bảo các tiêu chí và đạt hạng sản phẩm OCOP 3-4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giúp nâng cao thương hiệu và hiệu quả kinh tế. Cùng với công tác khai thác và phát triển nguồn gen, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) để được bảo hộ và nâng cao giá trị kinh tế cũng đã được quan tâm trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ngoài hai sản phẩm đặc sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL là cam Vinh và gừng Kỳ Sơn, CDĐL cho Trà Hoa vàng Quế Phong cũng đang được xây dựng, tiếp theo là nhãn hiệu chứng nhận cho chè Shan tuyết ở huyện Kỳ Sơn.
Theo đánh giá của Sở KH&CN tỉnh, thời gian qua, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen đã tiến hành một cách đồng bộ trên tất cả các nội dung và đã đạt được nhiều kết quả. Nhiều nguồn gen cây, con bản địa có giá trị đã được bảo tồn, nhân giống, phục tráng và khai thác, phát triển thành các sản phẩm đặc sản, sản phẩm hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, số lượng nguồn gen đã và đang được bảo tồn, khai thác, phát triển vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục huy động nguồn lực và tổ chức triển khai, thực hiện tốt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen của tỉnh giai đoạn 2021-2025, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng và lợi thế về nguồn gen để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời góp phần thực hiện thành công chương trình KH&CN phát triển dược liệu ở tỉnh Nghệ An đã được đề cập trong Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Bên cạnh đó, cần sớm triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng công viên bảo tồn và lưu giữ nguồn gen” tại Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và ươm tạo công nghệ cao Thái Hòa, thuộc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An, đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 2815/QĐ-UBND ngày 6/8/2021, để góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn nguồn gen của tỉnh.
Thu Phương
Bình luận