Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ bảy, 22/07/2023 06:07
TMO - Với việc các thị trường nhập khẩu có tín hiệu khả quan hơn trong những tháng tới, ngành tôm vẫn đặt kỳ vọng sẽ tiệm cận mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD cho năm 2023.
Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong suốt 2 thập kỷ qua, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Hiện, tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường chính là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước trong năm 2022 lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.
Đáng chú ý, trong 5 năm trở lại đây (2018 - 2022), ngành tôm duy trì diện tích nuôi tương đối ổn định ở mức khoảng hơn 700.000ha, phát triển tại một số vùng chuyển đổi (nhiễm mặn) Mức độ thâm canh/ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ nuôi mới vào sản xuất đã được chú trọng nhưng chưa cao; chưa chủ động nguồn giống, còn phụ thuộc nguồn tự nhiên và nhập khẩu. Bên cạnh đó, liên kết trong chuỗi tôm còn lỏng lẻo, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, diện tích tôm sú 605.000 ha, tôm thẻ chân trắng 51.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Diện tích và sản lượng tôm mặc dù đảm bảo kế hoạch và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, được mùa nhưng giá bán giảm sâu, chi phí đầu vào cao.
Theo Cục Thuỷ sản, nửa cuối năm 2023, ngành tôm tập trung tiếp tục duy trì diện tích nuôi, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch theo kế hoạch với mục tiêu đạt 563.000 tấn tôm nguyên liệu. Để đảm bảo nguồn cung cho chế biến, xuất khẩu những tháng cuối năm, ngành thuỷ sản tập trung duy trì sản xuất, ổn định tâm lý người nuôi kết hợp với việc hướng dẫn kỹ thuật thả nuôi, thu hoạch.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, cả nước đã có hơn 370 cơ sở chuyên chế biến và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm. Các doanh nghiệp chế biến tôm tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đều đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Mặt hàng tôm Việt Nam đã được chế biến đa dạng về mẫu mã và hình thức đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao (tôm tẩm bột, tôm Nobashi, Sushi, Tempura…), qua đó, áp ứng được cả thị trường khó tính, nhất là Nhật Bản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tận dụng một số phụ phẩm tôm để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao cấp như chitin, chitosan, glucosamine, astaxanthin... Do vậy, tôm vẫn tiếp tục được coi là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước ta.
Ngành hàng tôm kỳ vọng phục hồi tăng trưởng trong nửa cuối năm. Ảnh: NK.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 84 thị trường trên thế giới, với kim ngạch đạt 1,546 tỷ USD giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 35,9% kế hoạch 2023 (4,3 tỷ USD). Riêng trong tháng 6 đầu năm xuất khẩu tôm đạt 328 triệu USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc) đồng loạt giảm 2 con số, trong đó giảm mạnh nhất là thị trường EU với 48,9%, Mỹ giảm 38,1%, Hàn Quốc 28%, Nhật Bản giảm 29% và Trung Quốc-Hồng Kông giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ riêng xuất khẩu tôm sang các thị trường nhỏ hơn như Anh, Đài Loan ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện ngành tôm đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu và hạn - mặn tại ĐBSCL biến động khó lường, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nguồn giống chưa chủ động, phụ thuộc nhập khẩu và khai thác tự nhiên nên khó kiểm soát chất lượng.
Hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún còn chiếm đa số. Liên kết chuỗi sản xuất, xuất khẩu chưa chặt chẽ và hiệu quả. Quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi còn yếu. Đặc biệt, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp. Nhận định của các chuyên gia cho rằng, ngành tôm nước lợ còn nhiều tiềm năng phát triển, thị trường tiêu thụ rộng mở do nhu cầu gia tăng. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nền kinh tế lớn là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các chuyên gia đều nhận định thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên, dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại. Theo dự báo của tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ tăng do nền kinh tế Mỹ tránh được suy giảm và có thể tăng mạnh từ tháng 8 trở đi để phục vụ cho nhu cầu lễ hội cuối năm.
Với thị trường lớn Trung Quốc- thị trường trọng điểm xuất khẩu thủy sản, đại diện tham tán thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, thị trường này có tiềm năng rất lớn cho tôm nước lợ của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông đạt 280 triệu USD, giảm 15,7% so với cùng kỳ 2022. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm Ecuador, Ấn Độ do giá tôm hai nước này cạnh tranh hơn so với Việt Nam.
Dự báo trong các tháng cuối năm 2023 yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho sẽ có xu hướng giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam nói riêng, mặt hàng tôm sẽ tăng trở lại tại các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… Dự kiến từ tháng 8 trở đi đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc sẽ tăng trở lại để phục vụ dịp Trung Thu, Quốc Khánh và các dịp lễ hội cuối năm.
Để tận dụng lợi thế trên, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại để đa dạng hoá thị trường sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết, khai thác các cơ hội từ các hiệp định; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tôm.
Ngoài ra, để tận dụng lợi thế về quỹ đất nuôi tôm nước lợ một số vùng ven biển tạo cơ hội quy hoạch vùng nuôi tập trung theo hướng ngành hàng sản xuất. Năng lực về khoa học-công nghệ, nhân lực và các điều kiện tự nhiên khác khiến Việt Nam có đầy đủ các nhân tố để có thể tiếp tục phát triển ngành tôm theo hướng quy mô hiện đại, bền vững... các đơn vị liên quan, doanh nghiệp, hợp tác xã… cần đẩy mạnh nuôi tôm, các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao.
Đồng thời, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới. Cùng với đó, tập trung ứng dụng khoa học-công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu, bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các đơn vị, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm...
Thu Thủy
Bình luận