Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 18:01
Thứ tư, 31/01/2024 08:01
TMO - Lạm phát tăng cao tại các thị trường chính khiến nhu cầu nhập khẩu giảm, là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam sụt giảm trong năm 2023.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022. Những tháng cuối năm 2023, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh trong đó có tôm Việt Nam. Kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm, chiến tranh Nga - Ukraine vẫn kéo dài, xung đột Israel - Hamas đang tiếp diễn, căng thẳng Biển Đỏ khiến cước vận tải biển tăng. So với Ecuador, giá thành nuôi thấp, diện tích nuôi lớn, tập trung, tỷ lệ thành công cao lên tới trên 80%. Tôm nuôi của Việt Nam có tỷ lệ thành công không cao, chất lượng giống thấp, giá thành sản xuất cao hơn từ 20 - 35% so với Ecuador do giá thức ăn, giá điện và các chi phí đầu vào khác tăng cao.
Tôm Việt tiếp tục cạnh tranh khốc liệt với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, giá tôm thế giới chưa thể phục hồi nhanh do tồn kho còn nhiều. Chi phí thức ăn nuôi tôm lớn và tăng cao, đồng thời dịch bệnh trên tôm nuôi chưa kiểm soát. Đây là những thách thức đặt ra cho ngành tôm Việt Nam năm 2024. Thực tế trên đòi hỏi, ngành tôm cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng, tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Một trong những giải pháp được xác định đó là đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng và tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi. Sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Với công nghệ chế biến ngày càng phát triển, nhu cầu từ các thị trường gia tăng, việc phát triển các sản phẩm tôm giá trị gia tăng sẽ ngày càng được thúc đẩy theo chủ trương của Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1408/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành Chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của Đề án là phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Hiện nay Việt Nam và Thái Lan là nước có trình độ chế biến tôm cao trên thế giới. hờ trình độ chế biến cao nên tôm Việt Nam đang có thị phần lớn nhất tại những thị trường ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Anh. Đồng thời, các sản phẩm giá trị gia tăng cũng giúp tôm Việt Nam duy trì được thị phần tại Mỹ trước sức ép cạnh tranh rất gay gắt của tôm Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Ngay tại Trung Quốc – thị trường chuyên nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng nội địa, một số sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam cũng đang thâm nhập tốt. Điển hình như sản phẩm tôm sú luộc (hấp) với màu đỏ bắt mắt của một số nhà máy Việt Nam hiện đang được Trung Quốc mua rất nhiều.
Trình độ chế biến chung của các doanh tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh lớn. Các sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật của Việt Nam có thể kể đến như tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…
Cùng với giải pháp đẩy mạnh chế biến sâu, các chuyên gia tại VASEP cho rằng, để gia tăng giá trị xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh với các thị trường khác, ngành hàng tôm Việt Nam cũng còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo đó, ngày 9/1/2024, VASEP có Công văn báo cáo số 01/BC-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả sản xuất xuất khẩu thủy sản 2023 - cơ hội, thách thức trong 2024 và các kiến nghị giải pháp củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng. Theo đó, VASEP báo cáo Thủ tướng về thực trạng giá thức ăn đang cao, tác động rất lớn đến hoạt động nuôi và giá thành nguyên liệu - là một nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác (Ecuador, Ấn Độ…). VASEP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách kiểm soát về giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.
Ngành hàng tôm Việt Nam cũng còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Ảnh: NT.
Chi phí thức ăn nuôi tôm chỉ chiếm 30-40% chi phí nuôi. Do giá thức ăn tôm cao, hơn 30,000đ/kg nên khi tăng 3,000 - 5,000đ/kg thì xem như tăng 10-15%. Ngoài chi phí thức ăn, thì chi phí điện tăng đáng kể (chiếm 10% chi phí nuôi tôm, đặc biệt đối với nuôi công nghệ cao), tuy nhiên giá điện nuôi tôm hiện nay được tính theo giá điện dịch vụ và theo nhiều mức giá khác nhau nên ảnh hưởng đến giá thành nuôi nguyên liệu. VASEP xin kiến nghị tính điện 1 giá cho cơ sở nuôi tôm.
Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát chất lượng con giống tôm nuôi, đảm bảo không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường. VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2024 sẽ có nhiều khả quan. Nguồn cung tôm toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt tôm từ Ecuador, tuy nhiên sản xuất tôm của Ecuador cũng có sự giảm nhẹ trong 2024. Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ 10 - 15% vào năm nay. Nhu cầu được dự báo hồi phục trở lại kể từ 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi nhẹ so với mức nền thấp của năm 2023 do nhu cầu thị trường chưa chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm 2024. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường của các doanh nghiệp sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hồi phục trở lại mức 9,5 - 10 tỷ USD năm 2024; trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD.
Hồng Thắm
Bình luận