Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ ba, 06/09/2022 04:09
TMO - Mặc dù nhiều khó khăn, thách thức song ngành Nông nghiệp đang triển khai các giải pháp để về đích, đạt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 50 tỷ USD như Chính phủ giao.
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 5/9, thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp 8 tháng năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết: 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 29,9 tỷ USD, tăng 3,9%. Xuất siêu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 6,3 tỷ USD trong 8 tháng năm 2022, tăng 94,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.
Xuất khẩu cà phê trong 8 tháng của năm 2022 thu về 2,8 tỷ USD
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê trên 2,8 tỷ USD (tăng 40,3%); cao su trên 2 tỷ USD (tăng 8,1%); gạo trên 2,3 tỷ USD (tăng 8,1%); hồ tiêu khoảng 712 triệu USD (tăng 8,2%); sắn và sản phẩm sắn 941 triệu USD (tăng 22,5%), cá tra trên 1,7 tỷ USD (tăng 82,6%), tôm gần 3 tỷ USD (tăng 22,0%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 11 tỷ USD (tăng 6,5%)....
Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2022 đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD. Liên quan đến thông tin Thái Lan và Việt Nam nhất trí hợp tác trong việc nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Việt Nam tuân theo quy luật thị trường về giá lúa gạo, có trách nhiệm trong vấn đề an ninh lương thực không chỉ ở Việt Nam mà còn là trách nhiệm an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Trước bối cảnh nhu cầu lương thực trên thế giới đang tăng cao, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới là Việt Nam và Thái Lan sẽ chung tay đàm phán, nhằm tăng giá gạo một cách hợp lý bằng cách sử dụng cơ chế định giá trên thị trường toàn cầu. Để thực hiện thỏa thuận, Thái Lan và Việt Nam sẽ hướng tới việc tạo ra một cơ chế đàm phán chính phủ, đồng thời cố gắng thuyết phục thêm các nước xuất khẩu gạo tham gia sáng kiến này.
Dự kiến xuất khẩu gạo của nước ta trong năm nay đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD
Báo cáo của Bộ NN&PTNT, lũy kế đến trung tuần tháng 8, cả nước gieo cấy được 6,7 triệu ha lúa, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2021, đã thu hoạch khoảng 4,4 triệu ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái; năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 28 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.Thực hiện chiến lược cơ cấu ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đang thực hiện giảm diện tích trồng lúa, nâng cao chất lượng lúa gạo để tăng giá trị xuất khẩu, xuất khẩu ít nhưng kim ngạch cao.
Bộ NN&PTNT nhận định, thời gian tới, tại thị trường trong nước, mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định. Giá các loại trái cây dự báo tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng phục vụ dịp lễ Rằm Trung thu. Tuy nhiên, chi phí vật tư đầu vào phục vụ sản xuất còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn (gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây...). Từ tháng 9 bước vào mùa mưa bão nên dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng sản xuất nông, lâm, thủy sản...
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2022 đạt 2,8-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 55 tỷ USD, tại buổi họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu từ nay đến cuối năm, các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Cùng với đó, ngành tích cực triển khai chủ động có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; chuẩn bị tốt hồ sơ kỹ thuật, tích cực đàm phán để mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch tại các thị trường lớn và tiềm năng; giải quyết vấn đề rào cản kỹ thuật phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu...
Hồng Thảo
Bình luận