Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ tư, 08/03/2023 07:03
TMO - Theo dự báo năm 2023, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, điều này tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ngành gỗ kỳ vọng thị trường sẽ khôi phục trở lại vào những tháng cuối năm và sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 khoảng 18 tỷ USD.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải qua cho biết, ước tháng 2/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 800 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng 1/2023 và giảm 10,9% so với tháng 2/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 490 triệu USD, giảm 0,3% so với tháng 1/2023 và giảm 29,7% so với tháng 2/2022.
Hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2/2023 vẫn giảm là do tình trạng thiếu đơn hàng từ trước đó. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 982 triệu USD, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong tháng 1/2023, chỉ có mặt hàng viên nén gỗ có trị giá tăng và mặt hàng dăm gỗ có trị giá giảm nhẹ so với tháng 1/2022. Tình trạng khan hiếm năng lượng ở nhiều nước trên thế giới gia tăng là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu dăm gỗ và viên nén gỗ. Lượng xuất khẩu viên nén tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Ngành gỗ kỳ vọng tăng trưởng trên 18 tỷ USD năm 2023.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong năm 2022 lượng xuất khẩu đạt trên 4,88 triệu tấn, tăng 39,35% so với cùng kỳ 2021. Giá trị xuất khẩu viên nén của năm 2022 đạt trên 787 triệu USD, tăng hơn 90% so với cùng kỳ 2021. Lượng viên nén xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm lần lượt 97,5% tổng lượng và 96,7% tổng kim ngạch viên nén xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, thị trường Nhật Bản có lượng nhập khẩu tăng đột biến so với 2021.
Trong bối cảnh hiện nay, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều bởi xung đột quân sự, căng thẳng địa chính trị trên thế giới và sự phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế, đặc biệt là những thị trường chính về xuất khẩu đồ gỗ của nước ta như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Theo dự báo năm 2023, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, dự tính phải hết quý II năm 2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85% và kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên.
Để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu năm 2023, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng các giải pháp: Đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp; phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế lớn, phấn đấu từ năm 2024, sẽ đều đặn tổ chức 4 hội chợ lớn/năm...
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức phát triển ngành lâm nghiệp cân đối; phát triển trồng rừng đi đôi với chế biến. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Bởi lẽ, chỉ có nắm được thị trường mới chủ động được sản xuất và thực hiện tốt việc giải quyết tranh chấp thương mại.
Đồng thời, để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, năm 2023, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai các giải pháp như: Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở các khu vực mới, tiềm năng, tập trung ưu tiên xúc tiến thương mại đối với với các thị trường như: Australia, Nga, Canada, Ấn Độ, châu Phi và Nam Mỹ; bán hàng online... Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường kiểm soát bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện thương mại; có biện pháp bảo vệ thị trường nội địa hợp lý; đẩy mạnh triển khai thực thi các thỏa thuận và hiệp định song phương đã ký kết. Xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu tập trung với lợi thế hơn 3,5 triệu héc-ta gỗ rừng trồng sản xuất. Tập trung phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Minh An
Bình luận