Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ sáu, 11/08/2023 13:08
TMO - Dự báo triển vọng thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong thời gian tới có tín hiệu phục hồi khi nền kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng, tín hiệu này tạo động lực để ngành gỗ vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 17 tỷ USD trong năm 2023.
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) năm 2022, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 17 tỷ USD, qua đó đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về lĩnh vực này. Tuy nhiên, 7 tháng của năm 2023, do ảnh hưởng của các cuộc xung đột trên thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam tiếp tục thắt chặt. Do đó, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 7,8 tỷ USD, chiếm khoảng 45% kế hoạch năm 2023, giảm 25,5% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu chủ lực như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU đều giảm so với cùng kỳ.
Theo đánh giá Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu sản phẩm gỗ sụt giảm khá mạnh. Nếu như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung giảm khoảng 12% thì xuất khẩu gỗ giảm gần 30%. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có thể xuất khẩu được 20 tỷ USD gỗ và sản phẩm từ gỗ, song đến thời điểm này, mục tiêu cần phải tính toán lại.
Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sụt giảm là thị trường Hoa Kỳ, thị trường chủ lực của ngành gỗ đã giảm 35% về kim ngạch do sức mua kém, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, ngành gỗ đã phải đối diện với các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2020 và đến nay, sau 7 lần trì hoãn thì Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng. Bên cạnh đó, trong nước, nguồn cung gỗ nguyên liệu hiện vẫn chưa đủ và doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu một số loại trong nước không có. Do đó, quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp để tận dụng các hiệp định thương mại tự do cũng gặp nhiều khó khăn.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, do hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn thấp, nguồn lực tài chính hạn chế nên chưa đủ để đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh. Công nghệ thấp nên năng suất thấp. Ngoài ra, mẫu mã sản phẩm gỗ xuất khẩu vẫn còn đơn điệu. Thương hiệu của doanh nghiệp còn yếu. Nhiều doanh nghiệp không có đủ kinh phí xây dựng thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực về quản trị, marketing còn yếu. Tuy nhiên, các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tin tưởng tìm cơ hội giữa đà suy giảm đơn hàng và trong năm 2023.
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, ngành gỗ vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 17 tỷ USD trong năm 2023.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo về triển vọng thị trường xuất khẩu đồ gỗ, Hiệp hội cho rằng các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi kinh tế như tại thị trường Mỹ, do vậy dự báo khả năng mặt hàng này xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng trở lại.
Để tận dụng thời cơ này, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định tại các thị trường nhập khẩu; chủ động phát triển các dòng sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng; tích cực triển khai một số giải pháp để mở rộng kết nối thị trường trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ…
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất, kiến nghị Chính phủ cần thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững; thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó, hướng tới cam kết "netzero" trong ngành gỗ; chỉ đạo cơ quan ngoại giao tại nước ngoài tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng và trong việc xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng trong nước; giảm và đi đến hạn chế nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên không có chứng chỉ, đặc biệt là những vùng địa lý nhiều rủi ro…
Trước khó khăn của ngành gỗ, Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Lâm nghiệp nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ về đổi mới công nghệ, thuế và tín dụng cho các làng nghề dừng sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường rủi ro. Chính sách mua sắm công ưu tiên sử dụng sản phẩm đồ gỗ nội thất được chế biến từ gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, gỗ hợp pháp; hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nguyên liệu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ về đổi mới công nghệ, thuế và tín dụng cho các làng nghề dừng sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường rủi ro; chính sách mua sắm công, ưu tiên sử dụng sản phẩm đồ gỗ nội thất được chế biến từ gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, gỗ hợp pháp; hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nguyên liệu.
Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ cần tiếp tục duy trì sự đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, năng động, sáng tạo, chủ động liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ khâu trồng rừng tạo nguyên liệu tới chế biến, xuất khẩu lâm sản. Nghiên cứu phối hợp xây dựng các cửa hàng tại các nước xuất khẩu, tìm kiếm từng đơn hàng nhỏ, từng mặt hàng sẵn có… nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng với Hiệp hội, Bộ NN&PTNT hoàn thành mục tiêu từ nay đến cuối năm đạt giá trị xuất khẩu là 17 USD.
Hồng Hạnh
Bình luận