Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ ba, 31/10/2023 13:10
TMO - Dự báo đến năm 2024 giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn.
Thông tin từ Hiệp hội Dừa Việt Nam (VCA) cho biết, dừa là loại cây trồng truyền thống, có mặt hầu hết trên khắp mọi miền đất nước với gần 200.000 ha, xếp thứ 5 thế giới. Hiện tại, đây đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa (bánh, kẹo, mỹ phẩm, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ…) năm 2022 của nước ta đạt khoảng 940 triệu USD.
Cả nước hiện có hơn 800 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phầm từ dừa. Các doanh nghiệp ngành dừa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ…; có khoảng 15 trang trại trồng dừa chuyên canh rộng cả trăm ha/trang trại đã mọc lên ở các tỉnh Long An, Hậu Giang, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định... Đặc biệt, tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tây Ninh…đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp trồng trọt, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ dừa và liên quan dừa. và liên quan dừa với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động. Trong đó, có khoảng 90 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa; gần một nửa số doanh nghiệp này đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu.
Dự báo đến năm 2024 giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD.
Trong những tháng đầu năm 2023, do tình hình kinh tế khó khăn nên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dừa sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, trong quý II và III/2023, ngành dừa đón nhận nhiều tin vui khi trái dừa được xuất chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ và một số nước châu Âu; còn Trung Quốc thì đang xem xét cho trái dừa Việt Nam được xuất khẩu vào nước này. Với thị trường mới này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tập trung vào phát triển nguồn nguyên liệu. Hiện nay, vùng nguyên liệu chưa thật sự ổn định, chính vì thế, khi các thị trường nước ngoài mở cửa, phải có những chính sách về sản xuất, chiến lược phát triển cũng như về giá cả.
Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa của nước ta năm 2023 có thể tiệm cận 1 tỷ USD và năm 2024 có thể vượt con số 1 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu cho ngành dừa, khẳng định thương hiệu các sản phẩm dừa trên thị trường.
Đưa ngành dừa trở thành ngành sản xuất, xuất khẩu mũi nhọn; khai thác tối đa hiệu quả nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm từ cây dừa là mục tiêu lớn nhất của Hiệp hội Dừa Việt Nam. Thời gian tới, hiệp hội sẽ tiếp tục kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn, tiến đến hình thành bản đồ dừa trên cả nước làm dữ liệu cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham khảo, hỗ trợ ngành dừa phát triển. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường và khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường là mục tiêu được VCA hướng đến.
Cùng với những kết quả đã đạt được thời gian qua, ngành hàng này vẫn đối diện với thách thức trong việc đầu tư vùng nguyên liệu dừa hữu cơ khi chưa có những chính sách liên kết vùng cụ thể để xây dựng dự án. Trong đó có một số vấn đề còn bất cập cần được quan tâm đề xuất hiện nay là chưa có văn bản nào của ngành chức năng quy định về các loại dừa uống nước hay là loại dừa nguyên liệu để ưu tiên xuất khẩu trong thời gian tới, chưa có một mã ngành cụ thể để các ngành hữu quan khuyến khích tạo đòn bẩy về hành chính, thể chế, ưu đãi về thuế cho loại dừa nào nên xuất khẩu, loại dừa nào hạn chế xuất khẩu dành lại làm nguyên liệu cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trong nước....
Hiện nay, Đề án Phát triển cây công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 đã khảo sát (trong đó có cây dừa) ở 9 tỉnh (2 tỉnh Nam Trung Bộ và 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) và thu thập số liệu thứ cấp tại các tỉnh khác. Đề án sẽ đưa ra định hướng và giải pháp phát triển cây dừa đến năm 2030 theo hướng sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, cải thiện sức cạnh tranh của ngành hàng dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thu Quỳnh
Bình luận