Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 21:01
Thứ năm, 12/10/2023 05:10
TMO - Chất lượng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam đang giảm, đó là cảnh báo từ một số hiệp hội, khách hàng lớn từ 2 thị trường quan trọng trong xuất khẩu điều của nước ta là châu Âu, Mỹ.
Xuất khẩu điều khởi sắc và dự báo sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm, tuy nhiên các doanh nghiệp cần chú ý đến việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh các rủi ro không đáng có khi xuất khẩu. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu hạt điều đạt 456.000 tấn, trị giá 2,6 tỷ USD; tăng 19,6% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nhân điều là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh, nằm trong nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.722 USD/tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Về nguyên liệu, tính đến cuối tháng 8/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 2,18 triệu tấn điều thô, trị giá 2,56 tỷ USD; tăng hơn 34% về lượng và gần 14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tính trung bình giá điều thô nhập khẩu giảm hơn 13% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu gần 11.500 tấn điều nhân (vỏ lụa, nhân trắng) với trị giá hơn 62 triệu USD.
Trong 3 tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu điều ở các thị trường đều sẽ tăng, đặc biệt là Mỹ và EU để phục vụ nhu cầu mùa lễ, tết. Những yếu tố trên sẽ thúc đẩy xuất khẩu điều tăng trưởng tốt hơn trong những tháng tới và đưa ngành điều về đích trên 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong lúc thị trường khả quan, Vinacas cũng ghi nhận số vụ việc, lô hàng bị nhà nhập khẩu phản ánh nhiễm sâu, dư lượng thuốc khử trùng vượt mức cho phép ngày càng tăng.
Ngành điều liên tục nhận cảnh báo về chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Từ tháng 6/2023, nhiều lô hàng hạt điều xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu đã liên tục bị cảnh báo về tình trạng nhiễm côn trùng sống. Mức độ báo động ngày càng tăng lên vào thời điểm quý 3/2023 khi đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn, việc tăng ca vào ban đêm khiến côn trùng sống thuận lợi sinh sôi, khâu khử trùng vì thế cũng tăng lên nhưng không đảm bảo thời gian cách ly; dẫn đến dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm nhân điều chế biến vẫn còn. Mới đây nhất, Vinacas đã nhận được văn bản chính thức từ 2 hiệp hội ở châu Âu, Mỹ và một số khách hàng lớn cảnh báo về việc chất lượng hạt điều Việt Nam đi xuống. Trong đó, những chỉ tiêu bị cảnh báo là sâu mọt (côn trùng) sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất lạ.
Theo đánh giá của Vinacas, đến thời điểm hiện tại, việc giữ được chất lượng sản phẩm hạt điều xuất khẩu là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều cũng như ngành điều Việt Nam. Lý do nhiều lợi thế trước đây của ngành điều không còn nữa do áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi đang mỗi ngày một lớn hơn. Vì chất lượng càng ngày càng có xu hướng đi xuống nên giá điều nhân bán ra không tăng lên thậm chí là thấp hơn giá điều của các nước khác mà cụ thể là Ấn Độ.
Các tháng cuối năm là thời điểm mưa nhiều khiến cho hạt điều dễ bị ẩm mốc, côn trùng sinh sôi nảy nở. Đây lại là thời điểm các nhà máy tăng cường sản xuất để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhập khẩu tăng cao vào dịp cuối năm. Do đó, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong chế biến nhân điều có thể không còn được chặt chẽ như trước. Ngay cả yêu cầu đảm bảo thời gian cách ly sau khi dùng thuốc để khử trùng, cũng không được nhiều nhà máy tuân thủ vì áp lực giao hàng, đã dẫn tới có dư lượng hóa chất trên sản phẩm xuất khẩu. Trước thực trạng đó, trong thời gian qua, Vinacas đã thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên về những cảnh báo từ nước ngoài, về việc phải tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình kiểm soát…
Khi đơn đặt hàng tăng nhanh, các doanh nghiệp cũng tích cực chạy đua doanh số những tháng cuối năm bằng cách cho công nhân tăng ca, đẩy nhanh tiến độ chế biến. Vì thế, việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu và cả thành phẩm ở một số nơi chưa được chặt chẽ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của riêng doanh nghiệp đó mà còn làm sụt giảm uy tín của cả ngành điều Việt Nam. Đây cũng là lý do khiến giá điều xuất khẩu của Việt Nam đang thấp hơn điều Ấn Độ.
Để tránh các rủi ro về sâu, công trùng trong nhân điều, các doanh nghiệp cần kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu, hạn chế sản xuất ban đêm do đèn điện dễ thu hút côn trùng bay vào, tách biệt kho chứa nguyên liệu với kho chứa thành phẩm để tránh nhiễm chéo. Vào mùa mưa, ẩm, nhân điều cần được sấy khô hơn bình thường để tránh tình trạng bị ẩm mốc. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc khử trùng cần đảm bảo đúng liều lượng, thời gian cách ly sản phẩm trước khi xuất khẩu để tránh dư lượng vượt mức cho phép.
Hồng Diệp
Bình luận