Hotline: 0941068156
Thứ hai, 07/07/2025 13:07
Thứ hai, 07/07/2025 06:07
TMO - Tập trung khai thác tiềm năng từ cây sen để phát triển thành sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế cao là mục tiêu mà tỉnh Hưng Yên hướng tới. Thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ chế biến và xây dựng thương hiệu, địa phương đưa “Sen Hưng Yên” trở thành nông sản chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Việc nâng tầm giá trị và phát triển thương hiệu “Sen Hưng Yên” đang được tỉnh Hưng Yên chú trọng thực hiện thông qua nhiều giải pháp đồng bộ. Không chỉ dừng lại ở việc trồng sen lấy hạt hay hoa tươi, các địa phương đã và đang mở rộng mô hình sản xuất theo hướng đa dạng sản phẩm như chè sen, tinh dầu sen, bánh sen, mứt sen và các sản phẩm thủ công từ lá, thân sen.
Sự tham gia của các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương giúp liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, từng bước hình thành thương hiệu sen có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Cùng với đó, việc tổ chức lễ hội sen, giới thiệu sản phẩm OCOP và quảng bá trên các nền tảng số đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa và nâng cao nhận diện “Sen Hưng Yên” trên thị trường trong và ngoài nước.
Đây là hướng đi phù hợp, vừa bảo tồn nguồn gen bản địa, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng xanh và bền vững. Với sự đầu tư bài bản, “Sen Hưng Yên” đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong hệ sinh thái nông sản đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng.
Toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 100 ha trồng sen, với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, cây sen ngày càng được người dân lựa chọn để chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả. Các giống sen được trồng đa dạng, gồm sen hồng lấy hạt, sen Nhật lấy củ và một số giống sen nhập ngoại phục vụ lấy hoa, góp phần hình thành vùng trồng sen chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao.
Không chỉ là loài cây mang giá trị văn hóa, cây sen còn có khả năng khai thác toàn diện. Từ hạt, củ, ngó, hoa đến lá, tâm sen... đều có thể sử dụng để làm thực phẩm, dược liệu hoặc chế biến thành các sản phẩm đặc sản. Vào mỗi mùa sen nở, người dân không chỉ thu hoạch hoa, lấy hạt mà còn tận dụng tối đa từng bộ phận để tạo ra các dòng sản phẩm phục vụ tiêu dùng và quà tặng. Việc trồng sen cũng góp phần cải tạo đất, làm sạch nguồn nước, tạo cảnh quan sinh thái và thúc đẩy du lịch nông nghiệp.
Sen và các sản phẩn từ sen mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân Hưng Yên.
Cùng với quá trình mở rộng vùng nguyên liệu, thời gian qua, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại Hưng Yên đã đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm từ sen. Đơn cử như sản phẩm long nhãn ôm sen, sự kết hợp tinh tế giữa vị ngọt dẻo của long nhãn và vị bùi giòn của hạt sen, sen xốp giòn và sen tươi xốp giòn, 2 sản phẩm này được công nhận OCOP 3 sao. Riêng sản phẩm long nhãn ôm sen được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Với bao bì bắt mắt, bảo quản tiện lợi, giá bán lên tới 600.000 đồng/kg long nhãn ôm sen; sen xốp giòn hơn 200.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với long nhãn sấy truyền thống, sản phẩm không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu.
Không chỉ hiện diện tại các gian hàng OCOP trong tỉnh, sản phẩm từ sen Hưng Yên đang dần khẳng định chỗ đứng trên các sàn thương mại điện tử. Năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sen Hưng Yên”. Theo đó, 8 sản phẩm từ sen Hưng Yên thuộc 3 nhóm chính được bảo hộ: nhóm trà (trà tâm sen, trà sen), nhóm chế biến (hạt sen khô, hạt sen sấy khô ăn liền, mứt sen) và nhóm tươi (củ sen tươi, hạt sen tươi, hoa sen tươi). Việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu không chỉ khẳng định giá trị nông sản địa phương mà còn mở ra cơ hội lớn trong quảng bá và mở rộng thị trường.
Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, toàn tỉnh hiện có 15 sản phẩm từ sen được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao. Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị và phát triển bền vững thương hiệu “Sen Hưng Yên”, thời gian tới, các sở, ngành và chính quyền các địa phương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu gắn với bảo hộ chỉ dẫn địa lý; rà soát, quy hoạch lại vùng trồng sen tập trung; tăng cường quảng bá, tiếp thị sản phẩm sen thông qua nhiều hình thức như: xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tổ chức hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP…
Sen Hưng Yên không chỉ là loài cây gắn bó với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân mà còn là tiềm năng kinh tế lớn khi được khai thác hiệu quả. Việc nâng tầm giá trị và phát triển thương hiệu sen theo hướng sản phẩm OCOP, gắn với du lịch sinh thái và văn hóa địa phương, đang mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên.
Từ mô hình trồng sen truyền thống, các địa phương đã và đang chuyển mình mạnh mẽ thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển chuỗi giá trị, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cùng với chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương đã giúp “Sen Hưng Yên” dần khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trong bối cảnh nông nghiệp cần hướng đến các sản phẩm đặc trưng có tính cạnh tranh, việc phát triển sen không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là cách để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Đức Mạnh
Bình luận