Hotline: 0941068156
Thứ năm, 03/04/2025 11:04
Thứ tư, 02/04/2025 06:04
TMO - Với điều kiện khí hậu phù hợp trong việc phát triển các loại nông sản bản địa, tỉnh Hà Giang đã từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đặc trưng địa phương gắn với phát triển ngành du lịch, thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng du lịch, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, nhất là với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng thế mạnh của địa phương.
Là tỉnh nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang không chỉ nổi tiếng bằng những danh lam thắng cảnh, mà còn gây ấn tượng với nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Điều này góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương, tạo động lực đổi với phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn liền với du lịch, Hà Giang đang từng bước chuyển mình, biến những sản phẩm nông sản này thành những điểm nhấn thu hút du khách, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
Việc kết hợp phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng với du lịch không chỉ giúp gia tăng thu nhập cho nông dân mà còn góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của Hà Giang. Hà Giang có điều kiện tự nhiên đặc biệt với 3 vùng sinh thái chính: Vùng cao núi đá phía Bắc, vùng cao núi đất phía Tây và vùng núi thấp phía Nam. Mỗi vùng có những đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như hồng không hạt, mận, lê, cam, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, bò vàng và các loài dược liệu quý hiếm.
Những sản phẩm này đã được chứng nhận nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển các chuỗi giá trị nông sản gắn với du lịch. Mặt khác, Hà Giang còn sở hữu những danh thắng nổi tiếng như Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, hay các vùng trồng chè Shan tuyết cổ thụ, hoa tam giác mạch… trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Chính những yếu tố này tạo ra cơ hội lớn để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, không chỉ làm đẹp thêm cho cảnh quan mà còn nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Nhắc đến Hà Giang, không thể không kể đến những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc đã trở thành thương hiệu của vùng đất này. Đơn cử, cây hồng không hạt ở huyện Quản Bạ, mận máu Hoàng Su Phì, lê ở Đồng Văn, hay chè Shan tuyết ở huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình… đều mang những đặc trưng riêng biệt mà không nơi nào có được.
Đặc biệt, cây hồng không hạt Quản Bạ đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm mận máu Hoàng Su Phì đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, tạo nên giá trị gia tăng lớn cho những sản phẩm này. Ngoài ra, cây tam giác mạch, loài cây hoa đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành biểu tượng của Hà Giang.
Với những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ vào mùa thu, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Nhiều sản phẩm được chế biến từ tam giác mạch như bánh, rượu, bia… cũng đang trở thành những món quà lưu niệm được nhiều du khách yêu thích. Một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Hà Giang là lúa đặc sản, chất lượng cao gắn với ruộng bậc thang.
Các giống lúa đặc sản như gạo Già Dui, nếp Quảng Nguyên và gạo đỏ được trồng tại đây; trong đó, sản phẩm gạo Già Dui Xín Mần đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là vùng sản xuất có hệ thống ruộng bậc thang rất đẹp, đã được công nhận danh thắng cấp quốc gia với diện tích 675 ha, tạo ra cơ hội lớn cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.
Hoa tam giác mạch và các sản phẩm từ hạt tam giác mạch là một trong những nông sản nổi tiếng ở Hà Giang.
Việc kết hợp giữa sản xuất nông sản đặc trưng và phát triển du lịch là một hướng đi bền vững cho Hà Giang. Các sản phẩm nông sản không chỉ đơn thuần là hàng hóa mà còn là những yếu tố giúp làm nổi bật nét văn hóa, đặc sắc của mỗi địa phương. Du khách đến với Hà Giang không chỉ để tham quan những danh thắng, mà còn có cơ hội trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù Hà Giang đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch, nhưng vẫn còn một số thách thức cần được giải quyết. Một trong những khó khăn lớn nhất là điều kiện địa hình dốc, khiến việc phát triển các vùng sản xuất nông sản lớn, tập trung gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp kết nối nông sản với các thị trường tiêu thụ rộng lớn, từ đó nâng cao giá trị cho các sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch nông nghiệp cần đi đôi với bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc.
Cần có những giải pháp bảo vệ, phát triển các vùng cây chè Shan tuyết cổ thụ, ruộng bậc thang và các vùng trồng tam giác mạch, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết phát triển nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch là một hướng đi rất đúng đắn đối với Hà Giang. Hà Giang không chỉ có tiềm năng về nông sản mà còn có nhiều danh thắng thiên nhiên. Chính sự kết hợp này giúp Hà Giang phát triển nông nghiệp nâng cao giá trị du lịch, mang lại lợi ích cho cả người nông dân và cộng đồng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2025 tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông về sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng của chương trình OCOP, góp phần đẩy mạnh kinh tế nông thôn bền vững và bảo vệ môi trường. Các sản phẩm nông sản đặc trưng của Hà Giang không chỉ mang giá trị kinh tế, mà còn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Mỗi món hàng là một điểm thu hút du khách đến với Hà Giang để khám phá và tận hưởng cảnh quan nơi này.
Kiều Dung
Bình luận