Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Chủ nhật, 05/12/2021 13:12
TMO - Theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010, đến năm 2015, thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển với tổng diện tích được quy hoạch là 270.271 ha, chiếm khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, mới có 12/16 khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động, chiếm 0,185% diện tích vùng biển Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã quy hoạch 6/45 khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia.
Các khu bảo tồn biển thường gắn với những khu vực mà cộng đồng dân cư nghèo sinh sống chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lợi tự nhiên khai thác từ các khu bảo tồn. Các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho cư dân sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển chưa có đã gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Công tác truyền thông về bảo tồn biển vẫn gặp khó khăn vì thiếu kinh phí hoạt động thường xuyên.
Đầu tư cho các khu bảo tồn biển còn rất hạn chế. Nguồn ngân sách từ Trung ương chủ yếu đầu tư cho công tác điều tra, thiết lập quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển, còn đầu tư về cơ sở hạ tầng cho các khu bảo tồn biển chủ yếu từ ngân sách địa phương và từ hỗ trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.
Việc xây dựng các mô hình chuyển đổi sinh kế cho các hộ dân sống phụ thuộc vào khai thác nguồn lợi tự nhiên từ các khu bảo tồn biển luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý các khu bảo tồn biển quan tâm thực hiện. Một số mô hình chuyển đổi sinh kế được thử nghiệm và áp dụng thành công tại các khu bảo tồn biển đã góp phần nâng cao đời sống của người dân sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển, giảm áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên tại các khu bảo tồn biển điển hình như: mô hình homestay, cải hoán tàu khai thác hải sản ven bờ thành tàu chở khách du lịch tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm; hỗ trợ tài chính cho Chi Hội phụ nữ để phát triển nghề thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, Vịnh Nha Trang, nuôi nhông cát tại Núi Chúa...
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì hoạt động tạo sinh kế thay thế cho người dân sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là tính bền vững của mô hình. Nhiều mô hình chỉ hoạt động hiệu quả khi có dự án hỗ trợ, khi dự án kết thúc đã không thể duy trì được, nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí để duy trì hoạt động. Với tốc độ thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn như hiện nay, sẽ rất khó có khả năng hoàn thành lộ trình đề ra đến năm 2030 về diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên.
Cần năng cao năng lực quản lý
Khu bảo tồn biển được xem là công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn toàn tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh dựa vào các nguồn lực tự nhiên như: nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm. Do đó đầu tư vào kinh tế biển xanh không thể xa rời với việc đầu tư cho nguồn vốn thiên nhiên, hệ sinh thái biển, đầu tư cho việc thành lập và quản lý hiệu quả mạng lưới các Khu bảo tồn biển.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dã yêu cầu các địa phương thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã có những quy định mới điều chỉnh các hoạt động quản lý đối với khu bảo tồn biển.
Trong đó, lưu ý đến các hành vi cấm thực hiện trong khu bảo tồn biển, tên gọi của các phân khu chức năng, quy định liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của Ban quản lý; Kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước, Ban quản lý khu bảo tồn biển theo hướng thống nhất, đồng bộ từ trung ương xuống địa phương; Xây dựng cơ chế, chính sách thu phí từ các hoạt động du lịch, xã hội hóa công tác bảo tồn nhằm tạo nguồn tài chính bền vững cho các khu bảo tồn biển hoạt động; Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các khu bảo tồn biển hoạt động bảo tồn biển; Bố trí lực lượng kiểm tra tại các khu bảo tồn biển để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm…
Bộ cũng tập trung điều tra bổ sung, rà soát các phân khu chức năng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển hiện có. Ngoài mục tiêu mở rộng số lượng và diện tích các khu bảo tồn biển, cần đặc biệt chú trọng đến hiệu quả, chất lượng hoạt động của các khu bảo tồn biển...
Quốc Minh
Bình luận