Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ ba, 07/03/2023 15:03
TMO - Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành cùng với các địa phương trong tỉnh đã chủ động rà soát, phân vùng rủi ro với từng loại thiên tai từ đó triển khai các phương án ứng phó kịp thời.
Tỉnh Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội. Với vị trí địa lý này, Bắc Giang không bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai có sức tàn phá lớn như: nước biển dâng, bão, siêu bão mà chỉ bị tác động bởi các loại hình thiên tai mang tính đặc thù của khu vực như: mưa lớn, ngập lụt cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, giông lốc sét, mưa đá, chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới. Trong một vài năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Bắc Giang chịu ảnh hưởng thêm của một số loại hình thiên tai như hạn hán và rét đậm, rét hại, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không lớn.
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này phân vùng trong công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, đối với nhiệm vụ phòng chống với lũ quét, sạt lở đất, tỉnh Bắc Giang chia làm 3 vùng phòng chống lũ quét và sạt lở đất bao gồm: Vùng có nguy cơ cao (màu đỏ): Gồm các xã Biển Động, Tân hoa (huyện Lục Ngạn); các xã Lệ Viễn, Vĩnh An, An Lập, Vân Sơn, Hữu Sản, Thạch Sơn (huyện Sơn Động); các xã Đông Sơn, Đồng Hưu, Hương Vĩ (huyện Yên Thế); các xã Đan Hội, Cẩm Lý, Bắc Lũng, Huyền Sơn, Tiên Hưng, Tiên Nha (huyện Lục Nam); Vùng có nguy cơ trung bình (màu vàng): Các xã có địa hình dốc thuộc 4 huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động và Yên Thế; Vùng có nguy cơ thấp (màu xanh): Các xã thuộc tất cả các huyện nằm trong vùng đồng bằng, địa hình bằng phẳng.
Tỉnh Bắc Giang phân vùng trong công tác phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu từ đó triển khai các phương án ứng phó hiệu quả, phù hợp.
Các giải pháp công trình tưới, tiêu, hồ chứa, đê điều là giải pháp được đưa ra khi xảy ra các loại hình thiên tai như lũ lụt, úng ngập hay hạn hán. Với các loại hình thiên tai lũ ống, lũ quét và sạt lở đất cũng cần có các giải pháp thực hiện. Các khu vực thường xảy ra các loại hình thiên tai này trên địa bàn tỉnh là khu vực sông, suối thượng lưu sông Thương và sông Lục Nam của các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn và Yên Thế.
Các loại hình thiên tai khác như nắng nóng, rét hại, sương muối, giông lốc, sét, mưa đá...ít xảy ra và với mức độ cục bộ. Do đó phương án phòng chống cho các loại hình thiên tai này là tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và sự hiểu biết của người dân về những loại thiên đó và phương pháp phòng tránh khi các loại thiên tai đó xảy ra.
Đối với vùng hạn hán, đến năm 2030 tỉnh tiếp tục cấp đủ nguồn nước để 72.653 ha đất canh tác hàng năm (riêng đất lúa 66.716 ha), tiến tới bảo đảm tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ (100.000 ha), nâng tần suất đảm bảo tưới lên 90% vùng đồng bằng và 80% vùng miền núi. Hệ thống công trình thuỷ lợi hiện có đã cơ bản đảm bảo tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ lụt và phục vụ đời sống dân sinh trong điều kiện thời tiết bình thường, tạo điều kiện phát triển một nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Nhiều hồ chứa nước phục vụ đa mục tiêu; ngoài việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp còn cung cấp nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp như hồ Cấm Sơn, hồ Khe Đặng. Bên cạnh đó còn tham gia vào việc phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản …
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, nâng cao mức bảo đảm tiêu thoát nước, chống úng ngập, bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống các loại thiên tai thường xuyên xảy ra như lũ, lũ quét, sạt lở đất, ứng ngập, hạn hán và thích ứng với biến đổi khí hậu. Di dân, tái định cư cho người dân nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai. Đảm bảo an toàn phòng, chống được lũ thiết kế 2% cho các tuyến sông Cầu, Thương và Lục Nam. Xác định quy mô các tuyến đê kết hợp đa mục tiêu; củng cố các công trình phòng, chống lũ; tăng cường công tác quản lý, chống lấn chiếm trong phạm vi bảo vệ đê điều, vùng thoát lũ, bãi sông.
Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn trước; 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên toàn tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn; 100% khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu được lắp thiết bị cảnh báo; số hộ dân thuộc khu vực nguy hiểm thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn.
Tỉnh Bắc Giang bố trí nguồn lực triển khai công tác duy tu, nâng cấp đê điều trong phòng chống lũ lớn. Ảnh: DM.
Trong đó, phòng chống thiên tai đảm bảo nguyên tắc phòng ngừa là chính kết hợp với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu để chủ động phòng tránh dịch bệnh, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hệ thống bảo hiểm, chia sẻ rủi ro trong nông nghiệp. Phát triển hạ tầng thủy lợi chủ động tưới, tiêu theo hướng tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn cây ăn quả, rau, hoa,… và các vùng thâm canh nuôi trồng thủy sản các huyện Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Lục Ngạn và thành phố Bắc Giang.
Trong năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã bố trí từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai để tu sửa, xử lý khẩn cấp các công trình phòng, chống thiên tai: Xử lý mối tại các đập Khuôn Vố và đập Khuôn Thắm; sửa chữa, nâng cấp 04 điếm canh đê tả Cầu; xây dựng và lắp đặt 04 cột thủy chí ở các ngầm giao thông; sửa chữa, nâng cấp 06 điếm canh đê hữu Thương; tu sửa 02 điếm canh đê; tu sửa 01 cống Vân Yên; xây dựng và lắp đặt cột thủy chí, biển báo, cảnh báo, biển cấm...
Sử dụng ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh thực hiện dự án: Tu bổ chống sạt lở đê điều hệ thống đê cấp III trên địa bàn huyện Tân Yên từ K6-K14+700 đê hữu Thương; thi công cơ bản hoàn thành 07 trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (gồm các trạm bơm: Trúc Núi, Thanh Cảm, Tân Tiến, Cống Rụt, Cống Chản, Ngòi Mân, Khám Lạng) (thực hiện năm 2021-2023); Triển khai thực hiện đầu tư dự án thành phần số 3: Tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 thuộc dự án Tu bổ xung yếu hệ thống đê điều giai đoạn 2021-2025 do Bộ NN&PTNT là cấp quyết định đầu tư. Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách huyện thực hiện cải tạo, sửa chữa một số công trình thủy lợi đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Các công trình trên được xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh...
Đức Mạnh
Bình luận