Hotline: 0941068156
Thứ ba, 31/12/2024 00:12
Thứ sáu, 02/02/2024 08:02
TMO - Trong những năm qua, lũ quét, sạt lở đất là những hiện tượng thiên tai thường xuất hiện trong thời gian ngắn với diễn biến nhanh, cục bộ trong khu vực hẹp và có sức tàn phá lớn tại nhiều địa phương trên cả nước. Vì vậy, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo với các loại hình thiên tai này được coi là nhiệm vụ quan trọng cần được đẩy mạnh triển khai.
Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lớn kéo dài, địa hình chia cắt, mật độ sông suối phong phú... Đây là những yếu tố làm tăng khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất… Do tính chất khốc liệt và những thiệt hại to lớn của loại hình thiên tai này gây ra, việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cần thiết phải được chú trọng, đầu tư nhằm nâng cao khả năng cảnh báo giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Công tác phòng tránh các loại thiên tai chưa thể dự báo, cảnh báo chính xác được như lũ quét, sạt lở đất..., do đó cần tập trung theo hướng lấy phòng ngừa là chính.
Trước yêu cầu cấp thiết trong công tác phòng chống thiên tai, tháng 10/2023 Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Đề án thực hiện trên địa bàn vùng miền núi, trung du thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2023 đến 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025Việt Nam sẽ hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất tỷ lệ 1: 50 000 hiển thị trên nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:25 000 cho 37 tỉnh miền núi, trung du và tỷ lệ 1: 10 000 và lớn hơn đối với 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.
Sạt lở đât nhất là tại các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn.
Đến năm 2030, Việt Nam cơ bản hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn cho những khu vực có nguy cơ rất cao; hoàn thiện hệ thống thông tin - cảnh báo sớm tổng thể kết nối liên thông với các bộ, ngành, địa phương, có sự phối hợp 2 chiều giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu để cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho các tỉnh miền núi, trung du Việt Nam.
Đồng thời, nâng cấp, phát triển các mô hình cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam; xây dựng hệ thống thông tin – cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét thời gian thực, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống cảnh báo sớm…
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để đảm bảo việc triển khai Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” đạt hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra, trong năm 2024, cơ quan chuyên môn sẽ triển khai thí điểm 150 vị trí cảnh báo sớm về sạt lở đất, lũ quét để làm mẫu, sau đó sẽ mở rộng dần phạm vi triển khai tại các địa phương khác trong suốt 5 năm tới.
Trong năm nay theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ bắt đầu phối hợp với các địa phương triển khai Đề án trên. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai thí điểm 150 điểm mẫu về cảnh báo sạt lở đất, lũ quét, sau đó sẽ mở rộng dần phạm vi triển khai tại các địa phương khác trong suốt 5 năm tới. Bên cạnh đó, cơ quan khí tượng thủy văn sẽ tăng cường cảnh báo trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin thiên tai đến cộng đồng, trong đó có trang thông tin cảnh báo nguy cơ sạt lở đất được cập nhật hàng giờ.
Thời gian qua, ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) đã tập trung phát triển nền tảng công nghệ số với hệ thống đo mưa, ra đa, quan trắc lượng mưa tự động, ước lượng được diện rộng của lượng mưa; đồng thời, với các bản đồ đã xây dựng từ trước để phân vùng lũ quét, sạt lở đất kết hợp với các nghiên cứu các ngưỡng, khả năng xảy ra hiện tượng này để cảnh báo sớm vùng có nguy cơ diễn ra. Tổng cục KTTV đã tích hợp tất cả thông tin này vào hệ thống trang web cảnh báo lũ quét, sạt lở đất để chuyển tải đến người dân.
Ngành chức năng tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo để ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.
Đặc biệt, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ đưa vào thử nghiệm cảnh báo các điểm nguy cơ sạt lở thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Trong đó hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực là một công cụ tích hợp những mô đun giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu, kết nối dữ liệu đa nguồn phục vụ hỗ trợ nghiệp vụ cảnh báo và truyền tin nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh miền núi Việt Nam trên nền WebGIS và chia sẻ, cung cấp thông tin, lập bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực. Đặc biệt hệ thống trên sẽ hỗ trợ tự động cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực và chia sẻ tự động trên trang web online.
Đối với giao diện người dùng, phần bên trái là thông tin cập nhật về khu vực cảnh báo theo đơn vị hành chính và danh sách các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp xã cập nhật 1 giờ/lần. Giao diện chính sẽ là bản đồ (có thể thu phóng để xem chi tiết) cùng với cảnh báo nguy cơ theo các mức trung bình, cao và rất cao, các thông tin về các vị trí xung yếu cũng sẽ được nổi bật tại khu vực cảnh báo.
Ngoài ra, tại giao diện các lớp bản đồ còn được tích hợp các thông tin phản hồi ra đa thời tiết (tần suất cập nhật 10 phút/lần), dữ liệu bản đồ mưa thực đo 6 giờ, 12 giờ, 24 giờ, 3 ngày và 5 ngày đã qua, các dữ liệu về các vị trí đã xảy ra sạt lở đất, lũ quét, các vị trí xung yếu, trọng điểm nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và sơ lược thông tin dự báo về đường đi của bão/áp thấp nhiệt đới.
Hệ thống giúp người dùng có thể theo dõi trực tuyến, thường xuyên hiện trạng mây dông có khả năng xảy ra mưa lớn, dông, lũ quét và sạt lở đất. Từ đó, người dùng có thể chủ động thông tin để có các biện pháp để bảo vệ bản thân và tài sản. Bên cạnh đó, việc chi tiết hóa đến cấp huyện, xã và thông tin cảnh báo thời gian thực giúp các cơ quan khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh nắm bắt kịp thời và thực hiện các biện pháp truyền tin đến các cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp, cơ quan thông tấn, báo chí.
Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm tăng cường mức độ chi tiết các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, trọng tâm là ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, xác định ngưỡng mưa chi tiết hơn.
Ngành Khí tượng Thủy văn sẽ rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật phục vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét; điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng phục vụ lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ trung bình và tỷ lệ lớn; thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; nâng cao năng lực cộng đồng trong truyền thông và sử dụng thông tin cảnh bảo sớm.
Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét thời gian thực, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu; cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở đất, lũ quét, kinh tế - xã hội, tình hình thiệt hại cho hệ thống thông tin - cảnh báo sớm; vận hành thử nghiệm tại Trung ương và 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam; đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống cảnh báo sớm…
Thu Trang
Bình luận