Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ sáu, 20/10/2023 14:10
TMO - Nhờ khai thác tốt chính sách hỗ trợ, mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Để khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3241/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung thực hiện một số chính sách hỗ trợ, như: Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững...
Toàn tỉnh hiện có 806 HTX nông nghiệp, trong đó có 756 HTX nông nghiệp đang hoạt động và 50 HTX đang tạm ngừng hoạt động; 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 59 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với 75 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng. Các HTX phát huy tốt vai trò hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển thông qua thực hiện tốt các dịch vụ, như: Thủy lợi, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, cung ứng vật tư, khuyến nông, làm đất, bảo vệ thực vật, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm... Doanh thu bình quân năm 2022 của các HTX là 1,595 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân năm 2022 đạt 188 triệu đồng. Tổng số thành viên HTX nông nghiệp là 61.990 người; tổng số lao động thường xuyên là 17.388 người.
Việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, số chuỗi liên kết đã được mở rộng, số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng lên. Trong đó, đối với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động phát triển các vùng sản xuất tập trung, tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp, các HTX bạn để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Các HTX nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: HT.
Đến nay, có 523 HTX tham gia liên kết bền vững, chiếm 69,18% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh (tập trung chủ yếu ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới). Các HTX này đã có sự liên kết chặt chẽ với Doanh nghiệp - Hộ sản xuất; chủ động tìm kiếm bạn hàng (các doanh nghiệp, các HTX tiêu thụ sản phẩm) để ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản; ký kết thỏa thuận với các hộ sản xuất để bao tiêu sản phẩm..
Toàn tỉnh hiện có trên 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Công nghệ được các HTX nông nghiệp ứng dụng chủ yếu, gồm: Công nghệ "Tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ NETTAFIM” cho cây cam, cây mía; lựa chọn các giống mới năng suất hiệu quả cao sức chống chịu sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất; sản xuất dưa trong nhà màng, nhà lưới; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng thực nghiệm khoa học vào sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GLOBOGAP cho cây rau; sản xuất nông nghiệp không hóa chất trong cây lúa, cây rau, chăn nuôi lợn, gà; sản suất rau, quả trong nhà màng, nhà lưới; xây dựng các nhà sơ chế sản phẩm và kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch…
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, công tác hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn đó là: Nguồn nhân lực của các HTX nông nghiệp vừa yếu và thiếu; trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý và người lao động trong HTX chưa đáp ứng yêu cầu để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Các HTX còn thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; cơ sở hạ tầng của đa số HTX còn thấp kém, nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm, thiếu trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng, thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến, bảo quản nông sản... chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nên khó hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.
Địa phương này tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX nông nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong giai đoạn tới cùng với việc xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị hoá nông thôn, vùng nông thôn có chuyển biến tích cực, cơ cấu xã hội có nhiều biến động, lao động nông nghiệp có chiều hướng giảm dần từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý chuyển dịch sang phát triển ngành nghề và dịch vụ; diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần; tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khó lường; thiên tai, dịch bệnh, ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường sẽ gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và đời sống nhân dân nói chung và cho việc phát triển KTTT, HTX nông nghiệp nói riêng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy hơn nữa vai trò của HTX nông nghiệp đối với phát triển kinh tế hộ, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 3241/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh và tham mưu lồng ghép các chương trình, chính sách khác để hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp; trong đó tập trung một số nội dung, như: Tổ chức tuyên truyền, học tập quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn; thành lập mới và duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả.
Đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả để đạt tiêu chí có hiệu quả; thúc đẩy ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tin trong hoạt động của các HTX nông nghiệp; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững...
Đề án phát triển, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tập trung xây dựng có hiệu quả 86 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững để nhân ra diện rộng; đồng thời, thực hiện hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm đối với các HTX có thực hiện liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Từ năm 2018 đến nay, thông qua hoạt động của các cấp Hội Nông dân đã thành lập trên 23.000 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có trên 3.800 hợp tác xã và trên 19.000 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp đạt hiệu quả cao với doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 5,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm. Số hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên ngày càng tăng với trên 700 hợp tác xã (chiếm gần 20%). Các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng.
Số lượng HTX có xu hướng tăng trong giai đoạn 10 năm 2013-2022, tốc độ tăng bình quân khoảng 4,8%/năm. Đặc biệt từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, số lượng HTX tăng mạnh, trong năm 2022 với 2.036 HTX, đã tăng trên 7,4% so với năm 2021. Tính đến hết tháng 9/2023, cả nước có khoảng 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 nghìn THT. Trong đó có 20.357 HTX nông nghiệp và 11.343 HTX phi nông nghiệp.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã khẳng định: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Có thể thấy, Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Lê Xuân
Bình luận