Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 17/01/2025 14:01
Thứ tư, 22/11/2023 08:11
TMO - Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể (KTTT) và bố trí nguồn lực để thực hiện nhằm duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 204-KH/TU ngày 03/6/2020 về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3241/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 địa phương này tập trung xây dựng có hiệu quả 86 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững để nhân ra diện rộng; đồng thời, thực hiện hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm đối với các HTX có thực hiện liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị
Theo thống kê cua ngành chức năng tỉnh, tính đến hết tháng 9/2023 toàn tỉnh có 806 HTX, trong đó: 756 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 50 HTX đang ngừng hoạt động; có 523 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, đạt 69,18% (ước thực hiện năm 2023, số HTX hoạt động có hiệu quả là 559 HTX, đạt tỷ lệ 73%), 523 HTX tham gia liên kết bền vững, chiếm 69,18% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 59 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với 75 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng. Doanh thu bình quân năm 2022 của một HTX là 1.595 triệu đồng/01HTX (ước thực hiện năm 2023 đạt 1.675 triệu đồng/HTX); lợi nhuận bình quân năm 2022 đạt 188 triệu đồng/01HTX (ước thực hiện năm 2023 đạt 197 triệu đồng/01HTX).
Ngành chức năng tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp tại các địa phương.
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các HTX trên địa bàn huyện Như Xuân đã khuyến khích người dân chuyển đổi các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như cam Xã Đoài, cam Đường Canh, cam V2, bưởi Diễn, bưởi da xanh... Áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ NETTAFIM, cải tạo vườn vải, nhãn kém hiệu quả bằng phương pháp cắt ghép... đã góp phần quan trọng cải tạo vườn tạp, xây dựng vùng cây ăn quả chất lượng cao của huyện, bước đầu đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Cùng với lĩnh vực trồng trọt, các HTX trên địa bàn huyện Như Xuân cũng đã chỉ đạo áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Theo đó, các HTX đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, như cải tạo đàn bò bằng công tác thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh bò đực giống Zebu, thụ tinh nhân tạo với bò cái vàng địa phương, đưa giống mới thuần ngoại Landrace... Bên cạnh đó, các HTX cũng liên kết với các doanh nghiệp xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ sinh học như làm hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm balasa... Đồng thời, đã chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả nhiều giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao như gà Lương Phượng, gà lai chọi, gà mía, gà Lạc Thủy, khôi phục vịt bầu Thanh Quân, vịt Cổ Lũng..
Thọ Xuân là một trong những địa phương có nhiều mô hình KTTT phát triển, toàn huyện hiện có 48 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút tới 10.800 thành viên tham gia. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, một số HTX đã kết nối, hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường. Cùng với chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Thọ Xuân cũng đã thực hiện cơ chế hỗ trợ các HTX trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp đã trang bị thêm các loại máy móc phục vụ cơ giới hóa đồng ruộng như máy cấy, máy sấy, máy gặt đập liên hợp, máy làm đất để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Một số HTX còn kết nối được nhiều hợp đồng tiêu thụ, bao tiêu nông sản, lúa giống quy mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định tiêu thụ cho nông dân. Việc tham gia một hoặc nhiều khâu trong các chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX và người nông dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, cơ sở sản xuất, chế biến còn yếu, nên chưa hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Năng lực nội tại của các HTX còn yếu, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; chất lượng cung ứng dịch vụ chưa cao, quy mô còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiếu tính ổn định, sức cạnh tranh thấp; chất lượng nguồn nhân lực của các HTX còn nhiều hạn chế. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT, HTX còn chậm, hiệu quả đạt được chưa cao do thiếu nguồn vốn, phải lồng ghép trong các chương trình, dự án khác; số lượng HTX được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn thấp so với nhu cầu.
Khắc phục những hạn chế, nâng cao hoạt động của HTX nông nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ các HTX tổ chức tốt các dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mở rộng cung ứng các dịch vụ mới; hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX tổ chức liên kết chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa; gắn kết các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác nhằm cung cấp dịch vụ đầu vào, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đồng thời, hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển chuỗi giá trị nông sản, sản xuất các sản phẩm OCOP và thực hiện chương trình XDNTM ở các địa phương. Cùng với đó, HTX sẽ triển khai các giải pháp giúp các HTX dịch vụ nông nghiệp của tỉnh phát huy vai trò cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, tạo động lực quan trọng để phát triển hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là 1 trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những năm qua, khu vực KTTT đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nông dân và hội viên hội nông dân đóng vai trò quan trọng trong phát triển KTTT. Hiện nay, trong hơn 31 nghìn hợp tác xã, có hơn 20 nghìn HTX nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước; trong gần 6 triệu thành viên HTX có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63%% tổng số thành viên). Nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên các chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới đã khẳng định: "KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khẳng định phát triển KTTT là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị". Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Tuy nhiên, các HTX hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Có nhiều vấn đề, các HTX đặt ra có thể tháo gỡ, giải quyết được trong thời gian trước mắt; nhưng cũng có nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết từng bước, có lộ trình theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhằm đảm bảo phát triển lợi ích hài hòa giữa các thành phần kinh tế, giữa các thành phần tham gia vào chuỗi liên kết.
Để phát triển HTX trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều HTX, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp. HTX, tổ hợp tác mới được thành lập phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sự liên kết theo chuỗi với nhau. Đồng thời, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa HTX/tổ hợp tác với doanh nghiệp, với Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng; phấn đấu mục tiêu chung là đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 HTX với 2 triệu thành viên tham gia.
Hà Phương
Bình luận