Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 20:11
Thứ bảy, 01/06/2024 14:06
TMO - Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay, với mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%. Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 24,14 tỷ USD, trong đó, nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%. Riêng đầu vào sản xuất 756 triệu USD, giảm 1,3%.
Về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%); cà phê 2,9 tỷ USD (tăng 44,1% với lượng 833 nghìn tấn, giảm 3,9%); gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2% với lượng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7%); điều 1,55 tỷ USD (tăng 19,3% với lượng 288 nghìn tấn, tăng 30,6%); rau quả 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%); tôm 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%). Giá xuất khẩu bình quân: Gạo 638 USD/tấn, tăng 20,5%; cà phê 3.482 USD/tấn, tăng 49,9%; cao su 1.504 USD/tấn, tăng 8,8%; hạt tiêu 4.308 USD/tấn, tăng 39,3%. Trong khi đó, hạt điều 5.378 USD/tấn, giảm 8,6%; chè 1.656 USD/tấn, giảm 0,8%…
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay.
Như vậy, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay, với mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ. Giá cà phê Robusta tiếp tục được hưởng lợi từ thông tin lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Brazil và Việt Nam trong thời gian qua, sẽ gây thiệt hại cho cây cà phê và hạn chế sản lượng toàn cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng dự đoán, sản lượng cà phê từ quốc gia sản xuất cà phê Robusta hàng đầu này có khả năng giảm 20% trong niên vụ cà phê từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024 hiện tại do điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến khô hạn hơn bình thường trong thời gian qua. Những kiểu thời tiết này sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ cho đến tháng 10 năm nay, khi vụ mùa mới bắt đầu thu hoạch.
Cà phê ngày càng khẳng định vai trò là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia. Với việc chiếm hơn 10% doanh thu từ xuất khẩu nông sản và 3% tổng GDP, ngành cà phê không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng cho các nông dân mà còn là một phần không thể thiếu trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Trong năm 2023, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục với 1,61 triệu tấn, mang về 4,18 tỷ USD, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), dự báo năm 2024 xuất khẩu cà phê tiếp tục thuận lợi. Đặc biệt, hiện nay giá cà phê đang tăng mạnh, nên dù sản lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch có thể vẫn bứt phá. Vicofa dự kiến xuất khẩu cà phê có thể đạt khoảng 4,5 đến 5 tỷ USD trong năm 2024.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các doanh nghiệp trên cả nước đang nỗ lực thực hiện khung hành động thích ứng với quy định của châu Âu về không gây mất rừng (EUDR) cho xuất khẩu nông sản nói chung và ngành hàng cà phê nói riêng. Ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Quy định này được áp dụng.
Các địa phương đang nỗ lực thực hiện khung hành động thích ứng với quy định của châu Âu về không gây mất rừng (EUDR) cho xuất khẩu nông sản nói chung và ngành hàng cà phê nói riêng.
Theo Quy định này, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là cà phê, khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám. Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR) khi có hiệu lực (dự kiến từ tháng 12/2024) sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su và cà phê. Các chuỗi cung ứng ngành hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng.
Các yêu cầu chính của EUDR gồm: đảm bảo hợp pháp-tính truy xuất nguồn gốc sản phẩm (từ khâu sản xuất-khai thác/thu hoạch-vận chuyển-chế biến-xuất khẩu/trao đổi hàng hóa); đảm bảo không gây mất rừng, suy thoái rừng; bản đồ hiện trạng rừng tại thời điểm ngày 31-12-2020 và bản đồ tại thời điểm muốn đánh giá; có dữ liệu, bản đồ rừng về ranh giới, diện tích, tọa độ, loại rừng tự nhiên hoặc rừng trồng; có vị trí tọa độ địa lý, diện tích thửa đất canh tác (tọa độ GPS, diện tích đối với mảnh vườn từ 0,3 ha trở lên; tọa độ GPS, POLYGON (ranh giới), diện tích đối với mảnh vườn từ 4 ha trở lên); có cơ chế chia sẻ và phản hồi thông tin để phục vụ cho việc thẩm định (cấp quốc gia-cấp vùng; theo đơn hàng xuất khẩu).
Các hàng hóa và các sản phẩm có liên quan không được đưa vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU, trừ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: không gây mất rừng; được sản xuất phù hợp với quy định pháp luật tại nước sản xuất; đã có báo cáo thẩm định gửi cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn để thực thi EUDR đối với doanh nghiệp có quy mô lớn là tháng 12-2024, đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là tháng 6-2025.
Là một trong những địa phương có diện tích cà phê và sản lượng đứng đầu cả nước, Lâm Đồng đang triển khai các giải pháp nhằm chủ động thích ứng với những thay đổi về chống phá rừng và suy thoái rừng. Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhận định, thời gian qua, ngành Lâm nghiệp tỉnh theo dõi diễn biến khá chặt chẽ đối với quy định của EU về chống mất rừng và suy thoái rừng, ngành Nông nghiệp với vai trò chủ trì đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động thích ứng quy định EUDR trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 12/2023.
Trong đó, mục tiêu của địa phương trong kế hoạch trên là tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và tham gia thương mại quốc tế vào thị trường EU đối với nông lâm sản trên địa bàn tỉnh theo khung hành động. Bên cạnh đó, các chương trình hành động cụ thể sẽ giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự phối hợp của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và tổ chức quốc tế để hỗ trợ quản lý giám sát chặt chẽ và phản hồi thông tin cơ sở dữ liệu liên quan về canh tác bền vững hàng hóa nông sản không gây phương hại đến rừng.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, diện tích cà phê toàn tỉnh năm 2023 là 175.708 ha, trong đó, diện tích kinh doanh 163.520,8 ha với năng suất dự kiến 32,8 tạ/ha, sản lượng theo kế hoạch năm ước đạt là 535.777,8 tấn. Trong đó, diện tích cà phê sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest là 86.000 ha, sản lượng đạt 265.000 tấn/năm.
Ngoài ra, Lâm Đồng còn áp dụng sản xuất hữu cơ cà phê với 292,5 ha, chủ yếu là cà phê chất lượng cao, với giá bán vượt trội. Các sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang xay của tỉnh những năm qua được xuất khẩu qua thị trường quen thuộc ở các nước châu Âu như: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia…, các thị trường châu Á như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Riêng năm 2023, tính tới ngày 8/12, Sở Công thương tỉnh thống kê, cà phê nhân xuất khẩu đạt trên 173 triệu USD, là mặt hàng nông sản xuất khẩu cao nhất của địa phương.
Tại huyện Di Linh, địa phương có diện tích cà phê khoảng 45,6 nghìn ha, sản lượng hàng năm đạt trên 150 nghìn tấn/năm thì ngay tháng 11/2023 đã triển khai các biện pháp truy xuất đối với cà phê có nguồn gốc không gây mất rừng và suy thoái rừng. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định và đặc điểm, tình hình sản xuất của địa phương, huyện Di Linh đã xây dựng kế hoạch hoạt động nông nghiệp thích ứng EUDR.
Trước tiên là tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến quy định để nâng cao nhận thức tổ chức, doanh nghiệp và các hợp tác xã, cộng đồng, người dân, đặc biệt các nông hộ sản xuất, cung ứng nguyên liệu, chế biến các loại hàng hóa liên quan tới quy định EUDR. Song song đó, địa phương tập trung triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ rừng, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, xác nhận hàng hóa không có nguồn gốc từ phá rừng để đảm bảo rằng các sản phẩm không liên quan tới việc mất rừng, suy thoái rừng ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng…
Trong Kế hoạch hoạt động thích ứng quy định EUDR, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR đến các cơ quan quản lý các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân; xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, cấp huyện về khu vực rừng, khu vực đất lâm nghiệp và vùng trồng tạo sản phẩm hàng hóa có ảnh hưởng bởi quy định EUDR; tiếp tục xây dựng và triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị điểm (GPS) và ranh giới số (Polygon) của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR và triển khai các nội dung liên quan để đảm bảo hiệu quả trong quản lý giám sát các loại hàng hóa chính ảnh hưởng quy định EUDR.
Quang Huy
Bình luận