Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 30/09/2024 14:09
TMO - Với việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam đã đẩy nhanh tiến độ giao đất, triển khai các dự án trên địa bàn. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai trên địa bàn, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư.
Được đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh với hạ tầng giao thông kết nối tốt với các khu vực lân cận, cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào, những năm qua, Hà Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tính đến nay, Hà Nam đã có 8 khu công nghiệp đang hoạt động với 582 dự án đầu tư, bao gồm 350 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6,137 tỷ USD. Hàn Quốc dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp FDI với 127 doanh nghiệp. Đài Loan là những nhà đầu tư lớn thứ 3 về số lượng dự án (52 dự án) nhưng đứng thứ nhất về tổng vốn đầu tư (1,825 tỷ USD, tương đương gần 30% tổng vốn FDI tại Hà Nam).
Những năm trở lại đây, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước. Điều này được minh chứng thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 được công bố tháng 5/2024. Theo đó, tỉnh Hà Nam đạt 66,47 điểm, tăng 2,47 điểm so với năm 2022; xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 10 bậc so với năm 2022.
Trong 10 chỉ số thành phần thì có tới 6 chỉ số tăng cao so với năm 2022, bao gồm: Chỉ số gia nhập thị trường; Chỉ số tiếp cận đất đai; Chỉ số chi phí thời gian; Chỉ số đào tạo lao động. Đặc biệt, với 7,10 điểm, Hà Nam lọt vào tốp 30 địa phương có điểm số cao nhất trong Chỉ số thành phần số 4 "Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ”.
Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng được Sở TN&MT tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Ngay từ đầu năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã xây dựng kế hoạch “Nâng cao Chỉ số Tiếp cận đất đai tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025” nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào những vấn đề còn hạn chế, yếu kém trong thực hiện Chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2022, từ đó lựa chọn một số khâu, nhiệm vụ có tính đột phá để triển khai thực hiện.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, theo dõi, đánh giá việc thực thi chính sách về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh, kịp thời phát hiện những bất cập và kiến nghị sửa đổi; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất sửa đổi cơ chế thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng giá đất, giao đất, cho thuê đất, thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai.
Nhằm tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận đầy đủ các thông tin về đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng công khai, minh bạch các TTHC về đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đất, quỹ đất; tập trung chỉ đạo rà soát các TTHC về đất đai, tham mưu với UBND tỉnh bãi bỏ danh mục các TTHC chồng chéo, không phù hợp, ban hành các quy định mới theo hướng nhanh gọn, đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các TTHC; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố cung cấp thông tin quy hoạch, giá đất tạm tính, TTHC có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi triển khai đầu tư các dự án;
Với sự quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, Chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2023 của tỉnh đạt 6,54 điểm, xếp hạng 45/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 0,61 điểm và tăng 17 bậc so với năm 2022). Trong đó, có 9/14 chỉ tiêu được cải thiện mạnh mẽ cả về điểm số và thứ hạng. , thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án đầu tư; việc công khai thông tin về đất đai, công tác cải cách TTHC về đất đai, việc giải quyết hồ sơ về đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp… đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai có hiệu quả, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Địa phương này xác định công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch là giải pháp quan trọng tăng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới Sở TN&MT tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, quy trình nhằm rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm soát tình trạng nhũng nhiễu của công chức, viên chức trong thực hiện các TTHC về đất đai; thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC liên quan đến đất đai bảo đảm đúng quy định, đúng hẹn, không để hồ sơ tồn đọng, kéo dài;
Thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và qua cổng dịch vụ công trực tuyến; công khai, minh bạch thông tin về giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất; thường xuyên cập nhật, bổ sung kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố để giới thiệu, xúc tiến thu hút đầu tư; tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các quy trình đối với thủ tục thuê đất, đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tập trung chỉ đạo rà soát các thủ tục hành chính về đất đai; tham mưu cho UBND tỉnh bãi bỏ danh mục các thủ tục hành chính chồng chéo không phù hợp, ban hành các quy định mới theo hướng nhanh gọn, đơn giản, dễ hiểu, rút ngắn thời gian giải quyết tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các thông tin về đất đai, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tin học vào các khâu công việc chuyên môn.
Cùng với nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn, công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch luôn được tỉnh Hà Nam xác định là một trong những yếu tố quan trọng. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam cho biết, đất đai là lĩnh vực phức tạp, liên quan đến mọi đối tượng sử dụng đất, đặc biệt là công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Một trong các điều kiện dự án được giao đất, cho thuê đất khi hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy công tác giải phóng mặt bằng có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm việc sử dụng đất hiệu quả.
Tỉnh Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.043 ha. Với mỗi dự án ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các quy trình trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư thi công hạ tầng kỹ thuật. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động các hộ dân hiểu về ý nghĩa, vai trò của khu công nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đa số các dự án được đảm bảo tiến độ thi công và nhanh chóng thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp.
Hồng Ngát
Bình luận