Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Chủ nhật, 07/05/2023 06:05
TMO - Thành phố Đà Nẵng sẽ ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP theo hướng hữu cơ.
Thời gian qua, Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2018-2020, ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp cho chương trình OCOP khoảng 2,87 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án là 3,5 tỷ đồng; vốn đối ứng các chủ thể là 1,85 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, thành phố Đà Nẵng có 64 sản phẩm của 53 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 21 sản phẩm 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP hiện chủ yếu thuộc ngành hàng thực phẩm (thực phẩm tươi sống, sơ chế, chế biến).
Nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP là mục tiêu quan trọng trong triển khai Chương trình OCOP tại Đà Nẵng. Ảnh: AĐ.
Để phát triển hiệu quả chương trình OCOP, trong năm 2023, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá, phân hạng sản phẩm thêm các sản phẩm tiềm năng là sản phẩm OCOP; xây dựng kế hoạch, kinh phí hỗ trợ cho thủ thể tham gia đánh giá phân hàng sản phẩm OCOP 5 sao cấp trung ương năm 2023. Kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, sử dụng nhãn hiệu, tem chứng nhận sản phẩm OCOP theo đúng quy định. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản phẩm OCOP theo hướng hữu cơ, OCOP xanh và sản phẩm OCOP theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Khuyến khích sử dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ để tạo các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng.
Đà Nẵng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 135 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; hoàn thiện, chuẩn hóa và nâng cấp từ 2-3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Theo đó, thành phố sẽ khai thác tối đa tiềm năng, diện tích đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp để phát triển các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất gắn với xây dựng các chuỗi giá trị cùng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển theo ba nhóm sản phẩm chủ lực (cấp quốc gia, cấp thành phố và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương).
Chú trọng phát triển nhóm sản phẩm chủ lực cấp thành phố và sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm; nghiên cứu, phát triển các đối tượng nuôi trồng thủy sản giá trị kinh tế cao, hướng tới khai thác đặc sản địa phương và phát triển sản phẩm OCOP như cá thác lác, cá leo, cá dìa…; cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP.
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, những năm qua, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) luôn được thành phố Đà Nẵng quan tâm đẩy mạnh. Qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương... thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, đặc trưng, tiêu biểu của Đà Nẵng ngày càng được mở rộng và đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Chương trình “Quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng - Đà Nẵng” được tổ chức định kỳ nhiều đợt trong năm, góp phần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá, giới thiệu để người dân và khách du lịch biết đến sản phẩm OCOP, đặc trưng, tiêu biểu của Đà Nẵng, tạo được hiệu ứng lan tỏa, thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, người tiêu dùng biết, mua sắm sản phẩm của địa phương với chất lượng, giá cả phù hợp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đạt các chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền công nhận.
UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các Sở ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Mới đây, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan vừa đưa vào hoạt động 2 điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chợ đêm Sơn Trà và chợ Hàn. Ngoài xây dựng các cụm, điểm bán quảng bá, bán sản phẩm OCOP tại các điểm thu hút khách du lịch, thành phố Đà Nẵng cũng đang nghiên cứu hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch để thúc đẩy phát triển thương mại, lan tỏa mạnh mẽ hơn chương trình quảng bá sản phẩm Đà Nẵng gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng hiệu quả quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng đến với khách du lịch.
UBND tỉnh giao Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các địa phương, chủ thể OCOP các nội dung về phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP theo các chính sách của thành phố.
Sở Du lịch phối hợp UBND huyện Hòa Vang lựa chọn, xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch; tập trung hỗ trợ, phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh, giá trị văn hóa, đặc thù địa phương gắn với phát triển sản phẩm OCOP…
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua thực hiện chương trình, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Từ việc triển khai chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.
Thu Trang
Bình luận