Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ năm, 27/10/2022 21:10
TMO - Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thành phố Cần Thơ tập trung mở rộng diện tích, đảm bảo chất lượng sản xuất tại các vùng chuyên canh cây ăn trái. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gắn kết tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện tổng diện tích vườn cây ăn trái toàn thành phố là 24.015ha, đạt 99% kế hoạch năm 2022, sản lượng 162.885 tấn, đạt 98% kế hoạch. Việc diện tích trồng cây ăn trái liên tục tăng trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Hiện tại, thành phố Cần Thơ đã hình thành các vùng cây ăn trái chuyên canh tại nhiều quận, huyện như: Vùng trồng sầu riêng, vú sữa, dâu Hạ Châu tại huyện Phong Điền; nhãn tại quận Ô Môn và Thới Lai; mận tại quận Thốt Nốt; nhãn và xoài ở huyện Cờ Đỏ;... với diện tích trên 10.390ha, sản lượng trên 100.000 tấn. Thành phố có trên 477ha cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trồng thanh long phục vụ xuất khẩu tại huyện Thới Lai. Ảnh: BCT
Thời gian qua, ngành chức năng đã cấp và cấp lại 17 mã số cho 10 vùng trồng với tổng diện tích 150 ha. Đến nay, Cần Thơ đang quản lý 46 mã số với 37 vùng trồng với tổng diện tích 602 ha trên các loại cây trồng như: nhãn, vú sữa, xoài,... xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Trung Quốc, EU. Tổng diện tích bao tiêu trong mã vùng trồng là 592 ha với 284 hộ.
Trong năm 2022, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ sẽ phối hợp với các sở, ngành cũng như UBND các quận, huyện định hướng phát triển vùng trồng cây ăn trái chuyên canh, có giá trị kinh tế cao. Theo đó, thành phố Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Để thực hiện tốt việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng đã được cấp tại các quận, huyện và rà soát đề nghị cấp mã số mới tại địa phương. Ngành chức năng tiếp tục tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, đặc biệt lưu ý một số hoạt chất cảnh báo của các thị trường xuất khẩu, bao trái và chọn loại bao trái phù hợp nhằm giảm tác hại của ruồi đục quả.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì vùng nguyên liệu xuất khẩu hiện có, mở rộng các vùng trồng trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ và các hộ dân về việc tuân thủ các biện pháp quản lý dịch hại, bao trái, sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật...
Phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái nhằm phát huy hiệu quả điều kiện canh tác, nâng cao chất lượng các loại trái cây.
Ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục vận động, khuyến khích nhà vườn mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh cây ăn trái, gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; xây dựng mô hình kết hợp vườn cây ăn trái với du lịch sinh thái. Các quận, huyện trồng cây ăn trái chủ lực tiếp tục vận động nhà vườn cải tạo, khôi phục diện tích vườn bị suy thoái, kém hiệu quả; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.
Nhằm nâng cao chất lượng các vùng sản xuất trên địa bàn, TP Cần Thơ dự kiến trích kinh phí trên 58 tỷ đồng để cải tạo, nâng chất vườn cây ăn quả tập trung gắn với mã vùng trồng, tạo điều kiện xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu trái cây Đồng thời, thúc đẩy, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trái cây trên thị trường, từng bước khai thác lợi thế tiêu thụ nội địa, chế biến xuất khẩu và phát triển du lịch, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân.
Để thực hiện kế hoạch đã đề ra, UBND TP Cần Thơ đề nghị từ năm 2022 - 2025, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân liên kết vùng sản xuất cây ăn quả thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung với quy mô phù hợp (khoảng 10ha) gắn với xây dựng mã vùng trồng. Bên cạnh đó, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để kiến thiết, chăm sóc vườn cây ăn quả, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất; tổ chức liên kết theo chuỗi nhằm đẩy mạnh liên kết, huy động nguồn lực của doanh nghiệp để phát triển vùng sản xuất tập trung trên địa bàn.
Mặt khác, tỉnh cũng tập trung nâng chất vùng sản xuất cây ăn quả thông qua việc lồng ghép các dự án, chương trình từ ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế đầu tư dự án, hạ tầng đê bao, kho bảo quản nhằm đảm bảo cấp, thoát nước vùng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm trái cây trên địa bàn.
Thu Trang
Bình luận