Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 17:01
Thứ sáu, 09/12/2022 04:12
TMO - Hiện nay phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của Bình Phước được bán thô, ít qua sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị của nông sản thì việc phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch gắn kết với vùng nguyên liệu được xem là giải pháp quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp tại địa phương.
Bình Phước được xem là “thủ phủ” của cây điều và cao su trên cả nước, theo thống kê của ngành Nông nghiệp hai sản phẩm này có tỷ lệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch khá cao. Tuy nhiên, các loại nông sản khác, theo UBND tỉnh Bình Phước, hiện có đến 80% sản phẩm được nông dân bán thô, bán tươi ngay tại vườn. Trong đó, đối với cây sầu riêng được các thương lái mua, cắt đồng loạt chỉ đạt độ chín khoảng 70-80% không qua sơ chế, bảo quản, dẫn đến giá trị gia tăng của sản phẩm không cao, không có thương hiệu, nhãn hiệu. UBND tỉnh Bình Phước cho biết tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp của tỉnh còn ở mức cao, bình quân khoảng 20%, giá trị thiệt hại khoảng 2.683 tỷ đồng/năm. Trong đó, đối với cây có hạt khoảng 10% tổn thất sau thu hoạch, cây có củ là 10-20% và rau quả tổn thất khoảng 10 - 30%.
Ngoài cao su và điều có tỷ lệ sơ chế cao thì hầu hết nông sản đặc biệt là trái cây tại Bình Phước vẫn được nông dân bán thô ngay tại vườn
Trước thực trạng trên, để nâng cao giá trị nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành kế hoạch số 354/KH-UBND ngày 30/11/2022 về thực hiện Đề án phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Việc triển khai đề án nhằm phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch; giảm tối đa mức tổn thất sau thu hoạch các loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực của tỉnh; phát triển thị trường theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, trên 50% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đạt trình độ, năng lực công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên. Khoảng 20% sản phẩm nông sản tham gia chuỗi liên kết, gắn sản xuất với sơ chế, bảo quản, chế biến và thị trường, đảm bảo khoảng 20% sản lượng nông sản đủ điều kiện, có nhu cầu được sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Giảm tổn thất sau thu hoạch bình quân còn 19,2%. Đến năm 2030, trên 60% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đạt trình độ, năng lực công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên. Khoảng 35% sản phẩm nông sản tham gia chuỗi liên kết, gắn sản xuất với sơ chế, bảo quản, chế biến và thị trường và khoảng 30% sản lượng nông sản đủ điều kiện, có nhu cầu được sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Giảm tổn thất sau thu hoạch bình quân còn 18,6%.
Nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản góp phần gia tăng giá trị nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Ảnh: HT
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó thực hiện đồng bộ giữa phát triển các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của địa phương mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cụ thể:
Đối với cây ngô, lúa: tập trung tại 5 huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản và Bù Gia Mập; Đối với rau củ tập trung tại 6 huyện, thị xã, thành phố: Hớn Quản, Phú Riềng, Đồng Xoài, Đồng Phú, Bù Đăng và Bình Long; Đối với cây công nghiệp: Cây Điều tập trung tại 4 huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng và Đồng Phú; Cây Cao su tập trung tại 6 huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú, Lộc Ninh và Hớn Quản; Cây Hồ tiêu tập trung tại 6 huyện, thị xã: Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Bù Đăng, Bù Gia Mập; Phú Riềng; Đồng Phú và Bình Long. Ngoài ra đối với cây ăn trái, trong đó cây sầu riêng tập trung tại các huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Gia Mập, Chơn Thành...; Bưởi da xanh tập trung tại các huyện, thị xã: Lộc Ninh, Bù Đốp, Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Đăng...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; kiểm dịch xuất - nhập khẩu mặt hàng nông sản có nguồn gốc từ động, thực vật tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: VietGAP, GlobalGAP, GMP, ISO, HACCP, BRC, FSC... trong tất cả các khâu, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Triển khai nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, kết hợp triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh, địa phương; tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa, số hóa vào các khâu nhằm tạo ra các quy trình sản xuất, mô hình nhà máy thông minh liên kết với vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương có thế mạnh, có tính cạnh tranh cao. Số hóa và cập nhật, cung cấp các thông tin nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước về mặt hàng nông sản cả về số lượng, chất lượng, chủng loại, mẫu mã bao bì và thương hiệu.
Minh Hòa
Bình luận