Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 17:11
Thứ năm, 02/03/2023 07:03
TMO - Tỉnh Hà Giang xác định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, địa phương này đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương, từ đó thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển toàn diện.
Là tỉnh có nhiều tiểu vùng khí hậu, tài nguyên phong phú và là nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc…, nên Hà Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm mang đặc trưng vùng như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, thịt bò vùng cao, Hồng không hạt, gạo Già dui, dược liệu… Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 3/2018, nhằm phát huy những lợi thế của địa phương trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp nông thôn đặc trưng.
Những nông sản đặc trưng của địa phương, trong đó có Cam sành được địa phương chú trọng nâng cao chất lượng, quảng bá tiêu thụ.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh đã đánh giá, phân hạng được 270 sản phẩm với 229 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 39 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh; đặc biệt tỉnh có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia. Năm 2022 Hà Giang có 37 sản phẩm OCOP được công nhận và phân hạng đạt từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP trở thành đặc sản đối với khách du lịch và người tiêu dùng như: Mật ong bạc hà trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, gạo tẻ Già Dui, mận hậu huyện Xín Mần, mận máu huyện Hoàng Su Phì, ớt gió huyện Đồng Văn, ngô nếp núi đá huyện Yên Minh…
Trong năm 2023, tỉnh Hà Giang phấn đấu phát triển mới từ 30 sản phẩm (bình quân 2-3 sản phẩm/huyện, thành phố) đạt từ 3 sao trở lên. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm đã được chứng nhận đạt sao (OCOP) giai đoạn 2019 - 2021. Nâng hạng sao, rà soát cấp lại giấy chứng nhận (OCOP) cho các sản phẩm đã được công nhận trong năm 2019. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu sản phẩm, thực hiện tốt việc quản lý sản phẩm đã được chứng nhận đạt sao. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý Chương trình (OCOP) các cấp, các chủ thể sản phẩm (OCOP).
Trong đó, địa phương này tập trung phát triển các sản phẩm có tính chủ lực, tính đặc trưng ở địa phương, xây dựng được vùng nguyên liệu để mở rộng sản xuất, tham gia hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông sản hàng hóa tại địa phương; Ưu tiên các sản phẩm được sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ mới, các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO.... Kiểm tra, rà soát các sản phẩm (OCOP) đã được UBND tỉnh Quyết định công nhận các hạng sao (OCOP) trước đây để đăng ký, đánh giá phân hạng lại đối với các sản phẩm đã hết hạn (sau 36 tháng kể từ ngày công nhận).
Các sản phẩm OCOP được trưng bày, quảng bá rộng rãi nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường.
Tổ chức các chương trình, sự kiện xúc tiến quảng bá sản phẩm (OCOP); Hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm được công nhận (OCOP) 3 sao trở lên tham gia các Hội chợ, hội nghị, hội thảo liên kết xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm (OCOP),… Hỗ trợ các chủ thể (OCOP) xây dựng website quảng bá sản phẩm để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền quảng bá và bán hàng. Kiểm tra, giám sát sản phẩm (OCOP), đặc biệt là sản phẩm (OCOP) sau khi được đánh giá, công nhận, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm; thu hồi giấy chứng nhận đối với các sản phẩm không đáp ứng điều kiện theo quy định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2022 cả nước có 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Mục tiêu năm 2023 có khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí về OCOP. Trên cơ sở những kết quả đạt được của giai đoạn trước, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 được thực hiện với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững…
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400-500 sản phẩm đạt 5 sao; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống…
Nguyễn Minh
Bình luận