Hotline: 0941068156
Thứ hai, 31/03/2025 19:03
Thứ năm, 27/03/2025 11:03
TMO - Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian qua tỉnh Nam Định chú trọng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các địa phương.
Với gần 90.000 ha đất canh tác phù sa, gần 17.000 ha đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản, Nam Định là tỉnh giàu tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp nhiệt đới và kinh tế thủy sản. Toàn tỉnh hiện có trên 600 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Sau 6 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), toàn tỉnh Nam Định hiện có 489 sản phẩm OCOP, trong đó có 434 sản phẩm OCOP 3 sao, 55 sản phẩm OCOP 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang khẳng định được thương hiệu, chất lượng, chinh phục được thị trường trong nước và một số sản phẩm tiềm năng tham gia xuất khẩu sang các quốc gia được coi là thị trường khó tính như: Gạo sinh thái ruộng rươi, Gạo sạch chất lượng cao; Gạo nếp bắc Nghĩa Bình; Trà mầm đậu đen - Gạo lứt đỏ và Trà mầm gạo lứt đỏ; Cá mai tẩm gia vị; Ốc hương An Hòa...
Việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, kinh doanh có vai trò quan trọng, cấp thiết trong chuyển dịch, phát triển bền vững các sản phẩm OCOP địa phương. Những năm qua, tỉnh tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất, phát triển sản phẩm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo hướng đảm bảo đầu ra các sản phẩm, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị. Xuất phát từ những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh áp dụng KHCN trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ.
HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (huyện Giao Thủy) chuyên sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ… trong nhà màng, nhà lưới trên diện tích hơn 3.000m2 theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ đầu vào cho đến đầu ra Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng mô hình tưới nước phun sương, nhỏ giọt, lắp đặt các thiết bị điều chỉnh độ ẩm trong nhà nấm… nên cây nấm sinh trưởng và phát triển ổn định, cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Các vùng sản xuất lúa chất lượng cao cung cấp nguyên liệu để tạo ra sản phẩm gạo OCOP.
Những năm trở lại đây, một số cơ sở sản xuất dầu lạc, dầu vừng trên địa bàn xã Yên Cường, huyện Ý Yên đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào quy trình sản xuất, cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cơ sở đã đầu tư dây chuyền ép lọc cơ học khép kín, tiên tiến nhất hiện nay gồm: máy ép lọc, máy chiết suất, đóng chai... tạo ra sản phẩm dầu ăn nguyên chất từ lạc, vừng giàu dinh dưỡng, đậm đặc, không có chất bảo quản, không hóa chất phụ gia và đặc biệt giữ lại được tất cả các dưỡng chất, vitamin tự nhiên. Tham gia chương trình OCOP, cơ sở còn quan tâm cải thiện mẫu mã, quy cách đóng chai, nhãn mác thể hiện đầy đủ rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ.
Xác định công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP là nhiệm vụ quan trọng, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên không gian mạng.
Ngoài việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ của các tỉnh, thành phố, các sở, ngành chức năng đã chú trọng tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến (online). Hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn.
Phối hợp tổ chức ngày hội bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) với chủ đề “Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP”; chương trình livestream “Chợ phiên OCOP tỉnh Nam Định” tại fanpage “Sản phẩm OCOP Nam Định” trên nền tảng mạng xã hội Facebook…
Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; có ít nhất 70% số xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại và có ít nhất 15% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Để việc phát triển và nâng hạng sản phẩm OCOP ngày càng thiết thực, hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các ngành, các địa phương cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng truyền thống địa phương. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP; thực hiện công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại cấp cơ sở một cách thực chất, công khai, minh bạch, đi sâu vào nâng cao chất lượng, không chạy theo thành tích số lượng sản phẩm.
Chú trọng công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Hỗ trợ xây dựng, thiết lập mã QR Code, đăng ký sở hữu trí tuệ, hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì và tem nhãn hàng hóa đúng quy định. Thực hiện quản lý giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ số quảng bá sản phẩm.../.
Thanh Nga
Bình luận