Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/12/2024 06:12
Thứ ba, 10/12/2024 06:12
TMO - Dong riềng là loại cây xoá đói giảm nghèo cho người dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, mặc dù cây dong riềng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên việc gia tăng diện tích cây trồng tại địa phương này đang gặp nhiều thách thức.
Năm 2024, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng hơn 400ha dong riềng, tập trung chủ yếu tại các huyện Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông, Ngân Sơn. Thời vụ thu hoạch củ dong từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch. Những năm gần đây diện tích cây dong riềng của Bắc Kạn nói chung và huyện Na Rì nói riêng liên tục giảm dù có nhiều chính sách hỗ trợ, do đó cần có những giải pháp căn cơ để phát triển bền vững.
Kế hoạch phát triển chế biến sản phẩm chè và miến dong trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2020 - 2025 xác định, diện tích trồng dong riềng hằng năm ổn định 800 - 1.000ha. Tuy nhiên, từ năm 2020 - 2022, các địa phương thực hiện mở rộng diện tích cây dong riềng đều không đạt kế hoạch giao, bình quân đạt 58,5%/năm so với mục tiêu đề ra.
Còn trong năm 2024, tính từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương diện tích dong riềng có sự gia tăng nhưng không đáng kể. Đơn cử tại thôn Bản Cào, xã Côn Minh (huyện Na Rì) trồng được hơn 3ha cây dong riềng, tăng 1ha so với năm trước.
Trong thời điểm cao điểm, toàn thôn trồng đến hơn 10ha, diện tích sụt giảm mạnh qua từng năm, chỉ đến năm nay mới có xu hướng hồi phục nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số người dân trồng dong riềng cho biết, dong riềng là cây trồng cần nhiều phân bón, nếu không được cải tạo thường xuyên đất sẽ thoái hóa, năng suất cây trồng giảm mạnh.
Việc không có đất trồng mới, trong khi sâu bệnh gây hại nhiều khiến cho một số hộ dân phải từ bỏ loại cây trồng này dù nó cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây khác. Xã Côn Minh được coi là “thủ phủ” trồng dong riềng và sản xuất miến dong của huyện Na Rì, vào lúc cao điểm diện tích cây trồng này lên đến hơn 100ha.
Nhưng sau đó, giá dong riềng giảm sâu chỉ còn 500 – 700 đồng/kg nên người dân chán nản, chuyển sang loại cây trồng khác. Năm 2023, diện tích dong riềng của Côn Minh là 23ha, năm 2024 tăng lên 34ha. Đây cũng là một trong số ít địa phương mở rộng được diện tích loại cây trồng này nhưng cũng chỉ đạt gần 70% kế hoạch đề ra. Về nguyên nhân, Lãnh đạo UBND xã Côn Minh cho biết, một phần diện tích dong riềng của xã trồng vào rừng xen kẽ, hiện cây lớn khép tán không trồng được nữa.
Nguyên nhân khác là thiếu nhân lực do nhiều thanh niên đi làm công ty nên nhiều hộ gia đình thu hẹp diện tích. Sâu bệnh gây hại cũng khiến nhiều hộ không mặn mà. Giá thu dong riềng tăng từ cuối vụ thu hoạch năm 2023, khi ấy nông dân cơ bản bán xong củ dong, không kịp để giống cho năm sau nên diện tích không tăng mạnh như kỳ vọng. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì lý giải, nhiều diện tích cây dong riềng trồng ở vườn đồi, sản lượng mỗi héc–ta rất lớn, khoảng 80 tấn, nên việc thu hoạch, vận chuyển nông sản mất nhiều thời gian, công sức.
Trong khi đó, thiếu nhân lực lao động nông thôn, là trở ngại khiến các địa phương khó tăng diện tích cây dong riềng. Năm 2021, diện tích dong riềng toàn huyện Na Rì là 259ha, năm 2022 giảm còn 243ha, năm 2023 con số này chỉ còn 176ha.
Trong khi mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết giai đoạn 2021 – 2025 đặt ra là trồng 300ha cây dong riềng/năm.
Việc mở rộng diện tích dong riềng của huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) gặp nhiều thách thức dù hiện nay giá dong riềng đang khá cao. (Ảnh minh hoạ).
Năm 2024, diện tích cây trồng chủ lực này của toàn huyện Na Rì là 195ha (tăng gần 20ha so với năm 2023) mang lại niềm vui cho các cơ sở chế biến miến dong và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Giá bán củ dong riềng cao từ năm trước, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cùng các chính sách hỗ trợ của cấp, ngành chức năng đang phát huy hiệu quả giúp Na Rì dần phục hồi và tăng diện tích cây dong riềng.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì cho biết thêm, giá dong riêng bán cao trong 02 năm qua là động lực lớn để các hộ dân quay lại phát triển diện tích loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như dong riềng trong những năm tới. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra thì vẫn chưa đạt.
Để đẩy mạnh đà phục hồi và giữ vững vùng nguyên liệu, cùng với chính sách cho khâu chế biến, tiêu thụ miến dong, huyện cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho người trồng dong riềng bằng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Hiện nay, sản phẩm miến dong là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, trong đó đã có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, ngoài ra còn nhiều sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao (củ dong riềng là nguyên liệu để chế biến miến). Để phát triển mặt hàng này, việc giữ ổn định vùng nguyên liệu dong riềng là rất quan trọng. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, khi người dân trồng ít thì giá cao, nhưng lại thiếu nguyên liệu để chế biến, vụ sau trồng nhiều giá lại giảm khá sâu khiến người dân lao đao, bỏ sang trồng cây khác.
Để khắc phục hạn chế và đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển dong riềng, miến dong, Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở NN& PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng giải pháp khôi phục vùng trồng dong riềng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất dong riềng và chế biến miến dong của tỉnh đến các tổ chức, cá nhân sản xuất dong riềng và chế biến miến dong; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở chế biến miến dong.
Đồng thời, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức HTX, doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, liên kết sản xuất liên theo chuỗi để hình thành vùng sản xuất hàng hóa và gia tăng giá trị, mang lại hiệu quả cao trong quá trình canh tác cây dong riềng.
Trọng Khải
Bình luận