Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Chủ nhật, 30/10/2022 21:10
TMO - Vào trung tuần tháng 11, trên những con đường, ngọn đồi, đỉnh núi của vùng đất đỏ Gia Lai được phủ sắc vàng rực rỡ của những bụi hoa dã quỳ. Hoa dã quỳ đã trở thành biểu tượng của Chư Đăng Ya, và cũng là biểu tượng của sự kiện du lịch lớn nhất năm của vùng đất này.
Chư Đăng Ya theo tiếng của đồng bào J’Rai: “Chư” nghĩa là núi, “Đăng Ya” là “củ gừng dại”, cao khoảng 500m, thuộc địa phận làng Ploi Iagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Núi lửa Chư Đăng Ya mang dáng hình chiếc bát úp khổng lồ, miệng núi là lòng chảo trũng, thoai thoải, khu vực phía trong, ngoài sườn núi là nơi người dân canh tác, trồng hoa màu. Vào mùa hoa dã quỳ nở, khắp thung lũng là màu vàng rực của sắc hoa. Con đường đất bazan lên núi được bao bọc bởi viền hoa nối dài sang các ruộng hoa màu.
Những thảm hoa vàng rực dọc theo triền núi Chư Đăng Ya
Tới đây, tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya sẽ chính thức diễn ra từ ngày 11-17/11 tại khu vực núi lửa và một số địa điểm trên địa bàn hai xã Chư Đăng Ya và Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Lễ hội hoa dã quỳ núi lửa Chư Đăng Ya năm nay với nhiều hoạt động như: tái hiện các nghi lễ truyền thống, những trò chơi dân gian, trình diễn cồng chiêng, ngành nghề truyền thống mang đậm sắc màu văn hóa của cư dân bản địa.
Không chỉ tham gia trình diễn để quảng bá văn hóa với khách du lịch, các nghệ nhân đến từ 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn giúp du khách tìm hiểu, trải nghiệm nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của dân tộc Jrai, Bahnar.
Bên cạnh đó, việc phục dựng “Lễ mừng lúa mới” giúp người dân, du khách khám phá một trong những nghi lễ nông nghiệp lớn nhất, quan trọng nhất của cư dân Jrai. Nghi lễ này được các nghệ nhân phục dựng nguyên bản tại sân nhà rông làng Ia Gri, dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya vào ngày 12/11.
Hải Long
Bình luận