Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ tư, 09/08/2023 07:08
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, thời gian qua sản lượng lúa đạt cao, giá trị sản xuất ngành hàng lúa trên địa bàn tỉnh tăng do cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao.
Tỉnh Đồng Tháp hiện sản xuất 3 vụ lúa trong năm với gần 500.000 ha, trong đó, địa phương này sử dụng hơn 69% giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Các loại giống có chất lượng cao được đưa vào gieo cấy bao gồm: Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa 9. Vụ lúa Hè Thu 2023 ở Đồng Tháp thực hiện cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao, nếp và tập trung 16 nhóm giống chính, năng suất cao qua đó giúp nông dân cho năng suất lúa đạt cao.
Địa phương này đã và đang mở rộng diện tích sử dụng nhóm giống cho giá trị cao, phục vụ xuất khẩu. Bình quân mỗi năm tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao, thơm đặc sản (Jasmine 85, OM4218, OM 6976 và OM 4900…) khoảng 62-70% diện tích sản xuất. Năm 2023, Đồng Tháp đặt ra mục tiêu tổng diện tích gieo trồng lúa là 493.074 ha (tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 75% và áp dụng sạ hàng, sạ thưa 45% diện tích xuống giống), năng suất bình quân 66,03 tạ/ha, sản lượng lúa cả năm đạt khoảng 3,26 triệu tấn.
Đồng Tháp đang mở rộng diện tích sử dụng nhóm giống cho giá trị cao, phục vụ xuất khẩu. Ảnh: CĐ.
Cùng với việc mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nhiều nông dân trồng lúa trong tỉnh đã áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật như quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới tiết kiệm nước, canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP, bón phân vùi, sử dụng máy cấy, ứng dụng cơ giới hóa… chiếm 30% diện tích gieo trồng; diện tích sạ hàng, sạ thưa chiếm 50%. Cơ giới hóa áp dụng chủ yếu trên cây lúa ở các khâu: làm đất (100%), gieo sạ (gần 90%) và thu hoạch (gần 100%). Ngoài ra, một số mô hình mới được kỳ vọng giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị sản xuất như sử dụng thiết bị bay không người lái trong xử lý dịch hại, sản xuất theo hướng hữu cơ, giảm phát thải cacbon…
Với hiều mô hình hay sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng Sông Cửu Long. Mô hình được thực hiện tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông với quy mô 50 ha/24 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống lúa OM 18 cấp xác nhận 1 với lượng giống sạ cụm 70 kg/ha. Mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm tiết kiệm công lao động, giảm thất thoát trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Tại huyện Tam Nông có mô hình hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) ở xã Phú Thành, tham gia mô hình có 6 hộ tham gia sản xuất với 50 ha giống Zasmine 85, có liên kết cung cấp vật tư, lúa giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với công ty. Phương thức liên kết, khi thu mua mỗi ký lúa đạt tiêu chuẩn SRP theo giá thị trường, vụ Đông Xuân vừa qua nông dân thu lãi 32 triệu đồng/ha.
Tính đến đầu tháng 6/2023 tỉnh Đồng Tháp được cấp 355 mã số vùng trồng trên lúa với tổng diện tích 48.963 ha (chiếm 25% diện tích canh tác lúa). Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hơn 6.000 ha; diện tích được chứng nhận VietGAP hơn 4.000 ha. Đa số nơi được cấp mã vùng trồng lúa có xu hướng dịch chuyển cơ cấu từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao, nếp và tập trung trên một số nhóm giống chính, năng suất cao như: Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa chín, nếp Long An IR 46-25. Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%.
Theo kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo của UBND tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2025 sẽ tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo diện tích trồng lúa 470.940ha, sản lượng 3,1 triệu tấn. Trong đó, diện tích sản xuất lúa hữu cơ đạt 600ha, ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ thông minh gắn truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị trên cây lúa.
Năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu xuất khẩu 338.000 tấn gạo, thu về kim ngạch 232 triệu USD.
Trên địa bàn tỉnh có 20 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp để thúc đẩy xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Sở tiếp tục theo dõi tình hình kinh doanh, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp để có hướng phối hợp các ngành, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời.
Đặc biệt, về nguồn vốn cho doanh nghiệp, Sở sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đề nghị ngành ngân hàng có giải pháp, chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên lĩnh vực xuất nhập khẩu; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, nhất là vào giai đoạn thu hoạch lúa chính vụ.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục cập nhật và thông tin nhanh chóng, kịp thời những thông tin về thị trường xuất khẩu gạo đến doanh nghiệp, nhất là giới thiệu các đối tác, thị trường mới giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Thông qua hệ thống thương vụ tại các nước, Sở phối hợp duy trì tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng, thông tin tình hình thị trường để doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi khi đơn hàng xuất khẩu lẫn giá bán sang nhiều thị trường tăng mạnh do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao. Lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp ước đạt 262.920 tấn, kim ngạch ước đạt 152,15 triệu USD (đạt 65,6% so với kế hoạch), tăng 54,3% về lượng và tăng 72% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu xuất khẩu 338.000 tấn gạo, thu về kim ngạch 232 triệu USD.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 500.000ha diện tích gieo trồng lúa hàng năm (Vụ đông xuân 190.000ha, vụ hè thu 186.000ha và thu đông 110.000ha) và khoảng 69% giống lúa chất lượng cao được đưa vào sử dụng. Thời gian qua, Đồng Tháp đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất lúa giảm giá thành mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam VnSAT (diện tích 31.779ha) và dự án WB (diện tích 22.600ha) được xem là những vùng có đầu tư cơ sở hạ tầng và tập huấn nông dân sản xuất giảm giá thành, liên kết tiêu thụ hoàn chỉnh. Đủ điều kiện thuận lợi để thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” sẽ được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030 gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long. Mục tiêu đặt ra của
Đề án là hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất kinh doanh, thu nhập người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tại các vùng chuyên canh, lượng lúa giống gieo sạ ở mức 70 kg/ha, lượng phân bón hóa học giảm 30%, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 35%, lượng nước tưới giảm 25%. Tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững được chứng nhận hoặc được cấp mã số vùng trồng đạt 100%. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 85%, thất thoát sau thu hoạch dưới 7%, rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 90%. Lượng phát thải khí nhà kính giảm hơn 10%, lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam chiếm hơn 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh; lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa ổn định và đạt hơn 40% tổng doanh thu...
Trí Nguyễn
Bình luận