Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Chủ nhật, 11/06/2023 06:06
TMO - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dù mới vào đầu vụ nhưng lượng vải thiều của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường cao cấp đã có những tín hiệu rất khả quan.
Theo đó, từ ngày 3 - 7/6, đã có gần 100 tấn vải thiều xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Australia, Anh, EU. Riêng Nhật Bản, chỉ trong 3 ngày từ 4 - 7/6, đã có gần 40 tấn vải thiều được xuất khẩu thành công. Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 15/6 vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường Australia khoảng 3 tấn.
Năm nay, dưới sự hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của từng thị trường, các địa phương, hộ sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu vải đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, chuẩn bị chu đáo các phương án xuất khẩu. Dự báo lượng vải xuất khẩu đi các thị trường có giá trị cao sẽ tăng cao hơn so với các năm, góp phần vào thắng lợi chung của vụ vải năm nay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, sản lượng vải xuất khẩu của Hải Dương năm 2023 dự kiến chiếm trên 50%; trong đó, đặc biệt, lượng vải thiều Thanh Hà xuất khẩu ngày càng tăng qua các thị trường truyền thống là Trung Quốc, các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia. Tính đến thời điểm hiện nay, sản lượng thu hoạch vải Hải Dương đã đạt khoảng 32.000 tấn, đạt hơn 50% kế hoạch; trong đó, 13.000 tấn được xuất khẩu Trung Quốc và khoảng 3.000 tấn xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ và Australia.
Còn tại Bắc Giang, năm 2023, sản lượng vải thiều chín sớm ước đạt 57.000 tấn, riêng tại huyện tân Yên ước đạt hơn 15.000 tấn. Cùng với thị trường trong nước, việc xúc tiến trái vải thiều chín sớm ra nước ngoài cũng được mở rộng, xuất sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… Ước đạt năm nay xuất khẩu khoảng gần 10.000 tấn trên toàn tỉnh Bắc Giang.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trái vải Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường thế giới như Hoa Kỳ, EU… thường bị cạnh tranh mạnh với trái vải của Trung Quốc. Như tại thị trường Australia, Trung Quốc là nước sản xuất trái vải nhiều nhất thế giới, vụ mùa có từ tháng 2 đến tháng 7. Nông dân Trung Quốc chuyên nghiệp hóa quá trình thu hái, đặc biệt là nhà máy chiếu xạ đặt ngay tại vùng nguyên liệu. Vì vậy, sau khi thu hoạch chỉ trong một, hai ngày trái vải đã có ở siêu thị Australia. Trong khi đó diện tích trồng vải của Việt Nam bằng 1/10 Trung Quốc, mùa vải chỉ có tháng 6 và tháng 7. Hơn nữa, sau khi thu hoạch, đóng gói tại các tỉnh phía Bắc, vải tiếp tục vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh chiếu xạ để xuất đi. Từ khi thu hái đến lúc trái vải có mặt ở Australia mất cả một tuần, đã ảnh hưởng đến màu sắc, chất lượng trái vải...
Việc mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm là những yếu tố quan trọng để vải thiều Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Ảnh: BCP.
Với trên 331 triệu dân với sức tiêu thụ lớn, thị trường Hoa Kỳ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, là thị trường tiêu thụ trái cây lớn với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Hoa Kỳ nhập khẩu vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, trong đó vải Lục Ngạn, Bắc Giang luôn được người tiêu dùng Hoa Kỳ đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, trái vải Việt Nam vẫn tiếp cận thị trường đối với nông sản thực phẩm Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng còn gặp một số trở ngại. Theo đó, chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đặt tại miền Bắc. Quá trình từ thu hoạch, vận chuyển cho đến tay người tiêu dùng tại Hoa Kỳ còn dài, quá trình đóng gói, bảo quản chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn dẫn đến quả vải dễ bị hỏng, biến màu khi lên đến kệ siêu thị.
Hoa Kỳ và Australia là hai thị trường yêu cầu quả vải phải được xử lý bằng phương pháp chiếu xạ. Nhưng đối với thị trường Australia thì có nhiều thuận lợi, khi việc chiếu xạ, đóng gói vải được thực hiện ngay tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Riêng thị trường Hoa Kỳ chỉ chấp nhận 2 cơ sở tại TP.HCM và Long An đủ điều kiện chiếu xạ và đóng gói. Để xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ, nhiều năm nay, doanh nghiệp phải vận chuyển từ Bắc Giang, Hải Dương vào phía Nam nên tốn kém chi phí, thời gian, trong khi quả vải có mùa vụ ngắn.
Trong trường hợp xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, như tiến hành xét nghiệm tại địa phương để đảm bảo rằng vải thiều không bị nhiễm sâu bệnh, dịch hại hoặc vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, vải thiều cần đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, kích thước, màu sắc và độ chín tùy thuộc vào yêu cầu của thị trường Nhật Bản.
Singapore là thị trường còn nhiều tiềm năng, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng: Quả vải Việt Nam có chất lượng và mẫu mã, đẹp, vỏ mỏng, ngọt hơn so với quả vải của các đối thủ khác, do vậy, quả vải tươi Việt Nam còn nhiều dư địa tại thị trường này. Tuy nhiên, Singapore là thị trường khắt khe, Cơ quan quản lý thực phẩm của nước này đặt ra nhiều yêu cầu đối với trái cây tươi nhập khẩu. Cụ thể, theo Quy định kiểm soát thực vật, các loại trái cây tươi nhập khẩu vào Singapore phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất.
Đánh giá về những thuận lợi, khó khăn của thị trường xuất khẩu đối với quả vải, Bộ Công Thương cho biết: Niên vụ vải năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách “Zero Covid”, mở cửa trở lại, việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, vải là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với diện tích năm 2023 đang duy trì 58.800ha, chiếm gần 60% tổng diện tích cây ăn quả chủ lực toàn miền. Trong đó, chủ yếu là vải thiều với sản lượng ước đạt 330.000 tấn. Mặc dù còn một số thách thức và hạn chế, xuất khẩu vải thiều của Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể. Việc mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm là những yếu tố quan trọng để vải thiều Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin về các quy định và tiêu chuẩn của các thị trường đích, từ đó đáp ứng được yêu cầu và tạo độ tin cậy cho đối tác quốc tế. Đồng thời, việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện công nghệ và quản lý chất lượng là những yếu tố quan trọng để vải thiều Việt Nam tiếp tục khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, Việt Nam cần tập trung vào việc tăng cường năng lực sản xuất và phát triển nguồn nhân lực. Điều này bao gồm đào tạo và định hướng lại ngành nghề cho người lao động trong ngành công nghiệp thiều, đảm bảo rằng họ có đủ kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Đối với việc tiếp thị và quảng bá vải thiều Việt Nam, các doanh nghiệp cần tận dụng các kênh thông tin và công nghệ hiện đại như truyền thông mạng xã hội, website, video giới thiệu sản phẩm, hoặc tham gia các triển lãm và hội chợ quốc tế. Đây là cách hiệu quả để giới thiệu vải thiều Việt Nam đến khách hàng và tạo niềm tin trong việc tiếp thị sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Nguyễn Hạnh
Bình luận