Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ hai, 05/08/2024 04:08
TMO - Trước thực trạng bệnh khảm lá diễn ra phức tạp làm giảm năng suất, chất lượng sắn nguyên liệu, tỉnh Tây Ninh cùng các đơn vị chuyên ngành tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm, tìm ra những giống kháng bệnh khảm, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trở lại cho ngành sắn Việt Nam.
Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng sắn (khoai mì) lớn thứ hai cả nước sau tỉnh Gia Lai với trên 61.000 ha và năng suất bình quân đạt cao nhất cả nước, đạt 33,2 tấn/ha. Bệnh khảm lá sắn xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh vào giữa năm 2017, sau đó, bệnh khảm lá sắn lây lan đến 22 tỉnh, thành trên cả nước gây thiệt hại lớn cho ngành sắn cả nước. Theo đó, bệnh khảm lá sắn lây lan qua hom giống bị nhiễm bệnh và côn trùng môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Đặc biệt, bệnh không có thuốc trị, tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến khoai mì tại các tỉnh, thành.
Trước thực trạng trên, để giữ vững sự ổn định cho ngành sắn, từ năm 2019, tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc nghiên cứu khảo sát giống sắn kháng bệnh khảm lá, tăng năng suất và hàm lượng tinh bột. Sau nhiều năm triển khai, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức công bố lưu hành 6 giống sắn kháng bệnh khảm lá: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80 và HN97.
Tỉnh Tây Ninh cùng các đơn vị chuyên ngành tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm, tìm ra những giống kháng bệnh khảm.
Tiếp nối những thành công trên, mới đây, qua công tác khảo nghiệm từ 10.000 hạt lai các giống sắn có gen kháng bệnh khảm lá sắn và một số bệnh hại khác tại tỉnh Tây Ninh, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã tiếp tục chọn được giống sắn HLH20-0047. Đây là loại giống được đánh giá ưu việt nhất từ trước đến nay bởi không chỉ kháng 100% bệnh khảm lá mà còn có năng suất, chữ bột cao và kháng được các bệnh nguy hiểm khác như bệnh chổi rồng trên cây sắn.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng không nhỏ gây thoái hoá giống nói chung và giống sắn nói riêng, do đó, dù đã chọn được 6 giống sắn mới và được công bố, công tác khảo nghiệm vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bởi để có được một giống mới ưu việt, công tác nghiên cứu, khảo nghiệm phải qua rất nhiều bước và mất rất nhiều thời gian, trung bình phải mất ít nhất 3 đến 5 năm mới tuyển chọn ra giống được công nhận.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, các giống này hiện được trồng rộng rãi tại Tây Ninh và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ do thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên và phù hợp với điều kiện canh tác nên đạt năng suất và hàm lượng tinh bột cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cây sắn là cây công nghiệp hàng hóa, là sản phẩm chủ lực của tỉnh Tây Ninh. Tổng diện tích trồng sắn của tỉnh đạt khoảng 61.000 ha (chiếm 10% tổng diện tích cả nước). Năng suất trung bình từ 33-35 tấn/ha/năm (gấp 1,7 lần năng suất trung bình của cả nước là 20 tấn/ha/năm). Toàn tỉnh có 57 nhà máy chế biến (chiếm khoảng 48% tổng số các nhà máy chế biến sắn của Việt Nam).
Năm 2022, diện tích khảm lá sắn khoảng hơn 41.000 ha, thiệt hại 203 tấn, tương đương 649 tỷ đồng. Bệnh khảm lá trên sắn làm giảm năng suất và sự cạnh tranh của các loại cây trồng có giá trị cao như cây mía, cao su, cây ăn trái... cũng ảnh hưởng rất lớn đến diện tích trồng sắn ổn định của tỉnh. Tính đến nay, diện tích trồng giống kháng khảm lá của tỉnh là 4.524,5 ha; trong đó giống HN1 chủ yếu với trên 4.410 ha. Bên cạnh đó, hiện nay, người trồng sắn trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm mua các loại giống sắn không bị nhiễm bệnh ở các tỉnh vùng, địa phương lân cận để sản xuất, đồng thời cũng đã tăng cường nhân nhanh các giống sắn kháng/chống chịu với bệnh khảm lá.
Nhờ đó, hiện nay diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá trong tỉnh đã giảm mạnh (giảm 7.453 ha so với năm 2019) và giảm mức độ gây hại, chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ và chưa phát sinh diện tích nhiễm nặng. Tại Tây Ninh, nhờ những giống sắn kháng bệnh đưa vào lưu hành, nhiều người trồng sắn đã giữ vững diện tích vùng nguyên liệu, đáp ứng cơ bản đủ nhu cầu sản xuất tinh bột sắn trong tỉnh.
Nhờ những giống sắn kháng bệnh đưa vào lưu hành, nhiều người trồng sắn đã giữ vững diện tích vùng nguyên liệu.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết tổng diện tích sắn cả nước đạt trên 511.000 ha (năm 2023), giảm khoảng 60.000ha so với năm 2015. Cả nước hiện có trên 40 tỉnh trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chiếm 98% về diện tích và sản lượng sắn cả nước.
Các giống được trồng hiện nay là KM94, KM 140, KM 419, KM 505, HLS-11, các giống địa phương và các giống sắn kháng bệnh khảm lá được công bố lưu hành là: HN1, HN3, HN5. Tổng sản lượng sắn cả nước đạt 10,4 triệu tấn, trong đó, năng suất bình quân đạt 20,4 tấn/ha. Các tỉnh có năng suất cao là Tây Ninh (33,3 tấn/ha), Đồng Nai, BRVT (25-27 tấn/ha)…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án đã xác định các định hướng phát triển ngành hàng sắn đến năm 2030 và đưa ra các giải pháp toàn diện để triển khai các mục tiêu đề án. Diện tích trồng sắn được duy trì từ 480.000-510.000ha, trong đó diện tích sử dụng giống đảm bảo chất lượng chiếm 40-50%, sản lượng củ tươi đạt 11,5-12,5 triệu tấn; tổng công suất các nhà máy chế biến đạt 12-14,2 triệu tấn củ tươi/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 -2 tỷ USD/năm.
Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật thực hiện tốt việc dự tính dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây sắn đặc biệt là bệnh khảm lá sắn. Cục rà soát và đề xuất sửa đổi bổ sung quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Cục Trồng trọt, các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án nhân giống sạch bệnh, giống kháng bệnh.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động tham mưu, bố trí nguồn lực để xây dựng các chương trình, dự án phát triển ngành hàng sắn phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương. Lồng ghép các chỉ tiêu về cây sắn vào các bộ chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương để có những chính sách đầu tư, khuyến khích thích đáng để phát triển ngành hàng sắn đặc biệt là các đầu tư về hạ tầng cho vùng nguyên liệu trồng sắn.../.
Lê Hà
Bình luận