Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/07/2025 03:07
Thứ sáu, 06/06/2025 12:06
TMO - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trong nhà màng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho hiệu quả kinh tế vượt trội khi hạ chế sâu bệnh trên cây trồng, chủ động nguồn nước tưới và tạo ra nông sản sạch, an toàn.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 100 ha nhà màng. Các nhà màng trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ từ hệ thống điện, nước tưới...Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục ban hành Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030" và có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Hợp tác xã Tân Minh Đức (huyện Gia Lộc) bắt đầu sản xuất ứng dụng công nghệ cao từ năm 2018, phát triển mạnh nhất vào năm 2021. Các sản phẩm chủ yếu là dưa chuột, dưa lưới, ớt chuông và cà chua được canh tác trong nhà màng. Trung bình mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột và các sản phẩm khác. Mỗi sào (360m2) cho người dân thu hoạch khoảng 60 đến 100 triệu đồng/năm. Trong các nhà màng sản xuất đều được ứng dụng tưới nhỏ giọt tự động bằng điện thoại và kiểm tra qua camera. Các kỹ thuật pha phân bón, tạo ngọt, kiểm tra cây, kích cỡ quả, các kỹ thuật đều ứng dụng số và tự động hóa. Chính vì vậy sản phẩm luôn đảm bảo về chất lượng khi tiêu thụ và xuất khẩu.
Ông Trần Đức Hưng ở xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc sản xuất dưa lưới, dưa chuột trong nhà màng từ 5 năm nay, hiểu rất rõ những lợi ích của mô hình này. Ông Hưng cho biết: Kinh phí đầu tư ban đầu lớn nhưng đổi lại khung nhà màng có thể sử dụng vài chục năm, mảng phủ được 8-10 năm. Trong nhà màng, mỗi năm trồng được 3-4 vụ thay vì chỉ được 1-2 vụ như phương thức canh tác truyền thống. Giá nông sản trồng trong nhà màng cao gấp 3-4 lần so với rau màu trồng bên ngoài, mẫu mã đẹp, tiêu thụ thuận lợi.
Các kỹ thuật pha phân bón, kiểm tra cây, kích cỡ quả... trong nhà màng đều được tự động hóa.
Những năm qua, huyện Gia Lộc xác định một số công thức luân canh cây trồng trong nhà màng, nhà lưới vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm nguy cơ “được mùa mất giá" cho người dân. Chẳng hạn, trồng 3 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột; hay đan xen 2 vụ dưa lưới, 2 vụ dưa chuột; 2 vụ cây giống, 1 vụ rau gia vị. Toàn huyện cũng lên phương án quy hoạch 16 vùng với hơn 160ha đất sản xuất theo quy trình VietGAP được cấp giấy chứng nhận, đạt 100% kế hoạch số vùng và khoảng 2/3 về diện tích.
Người dân các vùng sản xuất VietGAP được tập huấn về kỹ thuật, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, các hộ sản xuất trong vùng đều chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị đặt hàng thu mua và liên kết bao tiêu sản phẩm. Gia Lộc còn hỗ trợ thuê đất, xây dựng vùng VietGAP, GlobalGAP, nhà màng, nhà lưới, tu bổ, nạo vét hệ thống thủy lợi đáp ứng cho nhu cầu tưới, tiêu...
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bình Giang, đến tháng 2/2025, toàn huyện có 10 mô hình nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích 45.000m2 tại các xã Cổ Bì, Thái Hòa và Hồng Khê, tăng 4 mô hình với tổng diện tích 15.000m2 so với cùng kỳ năm 2024. Các diện tích nhà màng, nhà lưới của Bình Giang kết hợp tưới nước và bón phân tự động, có hệ thống giám sát, điều hành. Các cây trồng chủ yếu là dưa lưới, cà chua, dưa chuột, dưa bao tử, hoa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất đạt từ 1 – 3 tỷ đồng/ha/năm.
Tại nhiều địa phương khác ở huyện Thanh Miện như Ngũ Hùng, Chi Lăng Nam..., nhiều nông dân đang tiếp tục đầu tư phát triển nhà màng. Địa phương này hiện đã phát triển được gần 54.000 m2 nhà màng. Ngoài hiệu quả kinh tế, các mô hình nhà màng giúp không ít địa phương đạt được tiêu chí về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong vụ sản xuất năm nay, đại diện một số hợp tác xã ở các huyện Gia Lộc, Thanh Miện, Kinh Môn cho biết các hộ dân đang vào vụ thu hoạch dưa lưới, bán với giá từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên dưa lưới trồng trong nhà màng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất khoảng 1,3 tấn/sào. Với giá bán hiện nay, người dân thu lãi trên 15 triệu đồng/sào.
Tỉnh Hải Dương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong đó có xây dựng nhà màng.
Ngày 14/11/2024, HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 6/11/2023 quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sửa đổi từ "hỗ trợ 100.000 đồng/m2 xây dựng nhà màng, hỗ trợ không quá 50.000 đồng/ m2/năm/toàn tỉnh" thành "hỗ trợ 100.000 đồng/m2 xây dựng nhà màng". Kinh phí dự kiến có thể sử dụng để hỗ trợ xây dựng nhà màng năm 2024 và năm 2025 là 76,4 tỷ đồng. Nguồn lực hỗ trợ này khi được phân bổ sẽ giúp nông dân trong tỉnh tiếp tục có động lực khôi phục sản xuất sau bão số 3, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương đã hỗ trợ gần 24,5 tỷ đồng cho nông dân 9 huyện, thành phố trong tỉnh xây dựng nhà màng. Tổng diện tích trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ đầu năm đến nay là 244.520 m2, mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2. Kinh phí hỗ trợ nằm trong đề án phát triển cây rau màu, hoa cây cảnh có giá trị kinh tế cao năm 2025 của tỉnh.
Một số địa phương trong tỉnh được hỗ trợ nhiều như huyện Gia Lộc với hơn 16,8 tỷ đồng, nhiều nhất tỉnh; huyện Bình Giang gần 3,7 tỷ đồng...Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 6, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh sẽ hỗ trợ thành phố Chí Linh gần 3,1 tỷ đồng.../.
Thanh Hà
Bình luận