Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/07/2025 01:07
Thứ sáu, 06/06/2025 15:06
TMO - Tỉnh Quảng Nam phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; trong đó ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các phân ngành hóa chất thuộc danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư.
Theo nhận định của UBND tỉnh, thời gian qua tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại hóa chất, nhất là chất độc Xyanua để hoạt động khai thác, chế biến vàng trên địa bàn các huyện Phước Sơn, Phú Ninh, Nam Giang… vẫn còn diễn ra; hoạt động sử dụng hóa chất công nghiệp trong ngành sản xuất giấy, dệt nhuộm, xi mạ của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp còn xảy ra vi phạm, tìm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe của con người; việc sử dụng hóa chất hạn chế, cấm sử dụng trong ngành y tế, dược phẩm vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Nhằm khắc phục tình trạng trên đồng thời thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tiếp tục phát triển các sản phẩm hiện đang có lợi thế, như: dược phẩm, sản xuất hạt nhựa, bao bì nhựa, khí công nghiệp, dung môi hữu cơ phục vụ ngành may... trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, như: thuốc (dược phẩm), hóa dược, mỹ phẩm cao cấp; chế phẩm sinh học dùng trong xử lý môi trường; các sản phẩm nhựa phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo khác. Khuyến khích đầu tư sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ các nguồn rác thải dân dụng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý các nguồn ô nhiễm để bảo vệ môi trường.
Đến năm 2040, tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, như: hóa dược, dược phẩm, mỹ phẩm; chế phẩm sinh học dùng trong xử lý môi trường; các sản phẩm nhựa... phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo khác; các sản phẩm phân bón và bảo vệ thực vật theo hướng sinh học.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, địa phương này sẽ triển khai linh hoạt, hiệu quả trong quá trình thu hút đầu tư các dự án hóa chất công nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ - thiết bị, hợp lý hóa sản xuất ở các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ; khuyến khích sản xuất bao bì nhựa thân thiện môi trường; không thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất độc hại, có nguy mất an toàn và gây ô nhiễm môi trường như: hóa chất cơ bản (trừ khí công nghiệp), thuốc bảo vệ thực vật, chất nổ, tái chế nhựa bằng công nghệ lạc hậu...
Cùng với hóa chất, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Các dự án sản xuất trong ngành hóa chất, cao su, bắt buộc tập trung trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, trong đó: Các dự án trong ngành hóa chất, cao su, sản xuất hạt nhựa, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ nhựa và cao su phục vụ sản xuất, lắp ráp... được tập trung bố trí trong các khu công nghiệp; riêng sản xuất hóa dược, dược phẩm, mỹ phẩm được bố trí vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp theo định hướng ngành nghề của từng khu, cụm công nghiệp.
Quảng Nam sẽ nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ thiết kế các dự án thuộc phân ngành hóa chất; thực hiện lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp của các dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất với Chiến lược phát triển ngành hóa chất khi cơ quan có thẩm quyền thực hiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Nghiên cứu mở rộng, bổ sung quy hoạch phân khu chức năng cho nhóm ngành hóa chất hoặc đầu tư, hình thành các tổ hợp công nghiệp hóa chất, trung tâm logistic trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện còn quỹ đất hoặc các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới có diện tích đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông, có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, phát triển bền vững nhằm thu hút các dự án hóa chất ưu tiên khuyến khích đầu tư, các cơ sở sản xuất hóa chất hiện có đang nằm trong khu dân cư cần phải di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung.
Ưu tiên đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ hiện đại, công nghệ tuần hoàn nhằm tạo sự đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp hóa chất có hiệu quả, phù hợp với định hướng, quy hoạch của tỉnh và các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia liên quan. Khuyến khích, hỗ trợ các dự án đổi mới công nghệ trong công nghiệp hóa chất trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến nâng cao nhận thức trong việc phòng ngừa và bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động hóa chất. Thực hiện tốt công tác quản lý nước về môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động hóa chất không tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường.
Các khu, cụm công nghiệp phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đi vào hoạt động. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường trong thu hút đầu tư và sản xuất công nghiệp. Không cấp phép đầu tư các dự án hóa chất với công nghệ lạc hậu, đã qua sử dụng, mức tiêu thụ tài nguyên, năng lượng cao.../.
Bích Hà
Bình luận