Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Chủ nhật, 18/08/2024 06:08
TMO - Tôm Cà Mau vừa có thêm chứng nhận tiêu chuẩn BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu) - chứng nhận quốc tế đầu tiên cho tôm nuôi theo mô hình chuyên canh tôm - lúa.
Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu vừa trao chứng nhận BAP cho Công ty TNHH Xã Hội Tôm chứng nhận Minh Phú, đơn vị đồng hành thực hiện “Dự án tôm-lúa xã Biển Bạch Đông”. Đây là chứng nhận quốc tế thứ 2 (sau ASC) tại vùng chuyên canh tôm-lúa của huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) và là chứng nhận BAP đầu tiên của Việt Nam được triển khai tại vùng chuyên canh tôm-lúa.
Khi có giấy chứng nhận BAP, các nông hộ sản xuất trong chuỗi liên kết sẽ được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, mua toàn bộ tôm (tôm sú, tôm càng xanh). Đồng thời, các đơn vị mua tôm cũng yên tâm khi bảo đảm được nguồn cung tôm nguyên liệu sạch, bền vững, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng theo tiêu chuẩn toàn cầu.
UBND huyện Thới Bình, địa phương có tiềm năng phát triển mô hình tôm lúa (mô hình xen canh lúa tôm càng xanh, lúa tôm sú), đây là mô hình được đánh giá thích ứng biến đổi khí hậu và góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân. Hiện, chứng nhận BAP đã hoàn thành việc xác nhận cho 231 hộ dân trên tổng diện tích hơn 696 ha, tại 6 ấp của xã Biển Bạch Đông. Đồng hành cùng nông dân địa phương là đội ngũ cán bộ, kỹ thuật và chuyên gia của Công ty TNHH Xã Hội Tôm chứng nhận Minh Phú (thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam.
Theo đại diện GIZ tại Việt Nam, có nhiều tiêu chuẩn đã và đang được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam, như: SQF, GlobalGAP, ASC, BAP, Naturland, AquaGAP, VietGAP… Tuy nhiên, các tiêu chuẩn rất quan trọng được áp dụng phổ biến cho con tôm xuất khẩu hiện nay là ASC, GlobalGAP và BAP. Đặc điểm chung của 3 tiêu chuẩn trên là tập trung bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn dịch bệnh; an toàn môi trường; an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Với việc có thêm chứng nhận BAP, con tôm Cà Mau rộng đường xuất khẩu đến hầu hết các quốc gia khó tính trên thế giới.
Với việc có thêm chứng nhận BAP, con tôm Cà Mau rộng đường xuất khẩu đến hầu hết các quốc gia khó tính trên thế giới, bởi Liên minh thủy sản toàn cầu hiện có hơn 1.100 thành viên ở 70 quốc gia và đã trở thành tổ chức nổi bật nhất đại diện cho ngành công nghiệp thủy sản toàn cầu. khi có giấy chứng nhận BAP, các nông hộ sản xuất trong chuỗi liên kết không lo về đầu ra vì được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, thu mua toàn bộ tôm (cả tôm sú và tôm càng xanh) đạt chứng nhận BAP với giá cao hơn so với giá tôm trên thị trường.
Ngược lại, phía đơn vị thu mua cũng yên tâm khi bảo đảm được nguồn cung cấp tôm nguyên liệu sạch, bền vững, có truy suất nguồn gốc rõ ràng theo tiêu chuẩn toàn cầu. Đây cũng là điều kiện và cơ hội tốt để Cà Mau quảng bá hình ảnh con tôm của địa phương ra thị trường thế giới, nhất là ở những thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắc khe như châu Âu, Hoa Kỳ…
Cà Mau là địa phương có sản lượng tôm dẫn đầu về cả nước, đặc biệt là tôm sú. Hàng năm, mặt hàng này mang về kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh hàng tỷ USD. Việc được trao chứng nhận quốc tế nêu trên, là một điều kiện thuận lợi để con tôm Cà Mau mở rộng thị trường quốc tế, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau là tỉnh trọng điểm về nuôi tôm với diện tích khoảng 280.000 ha, sản lượng tôm đạt trên 220.000 tấn/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm đạt trên 1 tỷ USD. Thế mạnh của Cà Mau là nuôi tôm sinh thái với mặt hàng chủ lực là tôm - rừng và tôm - lúa. Do đó, tỉnh tập trung phát triển mạnh mẽ mô hình nuôi tôm sinh thái, bởi với hình thức nuôi này thì con tôm đạt chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính rất ưa chuộng tôm sinh thái của Cà Mau.
Xác định rõ đây là tiềm năng, lợi thế lớn của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững để nâng cao hiệu quả ngành tôm của tỉnh. Theo đó, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; gia tăng diện tích, sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm tôm Cà Mau. Đặc biệt là nhân rộng các mô hình nuôi đạt năng suất cao theo quy trình, kỹ thuật nuôi 2 giai đoạn và 3 giai đoạn; chú trọng phát triển các mô hình nuôi tôm đạt các chứng nhận của quốc tế như: GlobalGAP, Naturland, BAP, EU, ASC, Selva Shrimp, VietGAP...
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành hàng tôm; trong đó, tăng cường xây dựng các vùng nuôi đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế; cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh, phát triển mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi sinh thái để nâng cao giá trị tôm Cà Mau. Tỉnh tập trung phát triển nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế và đã được cấp các chứng nhận như: GlobalGAP, Naturland, BAP, EU và gần đây có ASC, Selva Shrimp, VietGAP.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tỉnh Cà Mau còn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, khuyến khích các mô hình nuôi thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động các biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết, dịch bệnh trên thủy sản.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quản lý về chất lượng con giống, gia tăng về quy mô sản xuất con giống tập trung, hình thành các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất tôm giống phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Cà Mau xây dựng phát triển nuôi tôm sinh thái đạt các chứng nhận quốc tế; trong đó, diện tích tôm - rừng đạt hơn 30.000 ha, tôm - lúa đạt diện tích từ 3.000 ha trở lên.
Ngọc Lan
Bình luận