Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ ba, 15/11/2022 14:11
TMO – Sau thời gian nghiên cứu và áp dụng nhiều giải pháp, cây táu cổ thụ 2.100 năm tuổi tại Đền thờ Thiên cổ Miếu thuộc Thôn Hương Lan, Xã Trưng Vương, TP. Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ hiện đang sinh trưởng tốt.
Trước đó, từ năm 2014, cây Táu cổ thụ nêu trên xuất hiện hiện tượng bị suy kiệt, cụ thể: Thân cây bị mối xông mục ruỗng, một số cành bị khô chết. Đến năm 2021, thể trạng cây càng ngày càng xấu đi: 5 trên 6 cành bị chết, thân mục ruỗng nhiều hơn, chỉ còn một cành nhỏ sống nhờ vào vỏ cây…
Để khôi phục và duy trì sự sống tốt cho cây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã bắt tay thực hiện đề tài: “Nghiên cứu mô hình thử nghiệm chăm sóc, kéo dài tuổi thọ cây Táu cổ”.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Lầm, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) phát biểu trong Hội nghị Báo cáo kết quả thử nghiệm chăm sóc, kéo dài tuổi thọ cây táu cổ thụ.
Chỉ trong 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10/2022), nhóm nghiên cứu do tiến sỹ Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Phú Thọ làm chủ nhiệm, được sự tư vấn của các nhà khao học, chuyên gia thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, sự hợp tác và phối hợp có hiệu quả của các ban ngành trong tỉnh, của Đảng ủy, chính quyền, ban quản lý di tích xã Trưng Vương và cộng đồng dân cư, đè tài đã thu được kết quả khả quan. Hiện tại, cây Táu cổ đã ra nhiều rễ, cành khỏe, lá xanh tươi, không bị quăn mép.
Được biết, nhóm các nhà nghiên cứu đã thực hiện quy trình gồm 10 bước để chữa bệnh, nâng cao thể trạng của cây. Cụ thể: (Bước 1). Khảo sát thực trạng để đánh giá khách quan hiện trạng sức khỏe của cây Táu cổ; (Bước 2): Tổ chức hội thảo khoa học nhằm thống nhất đánh giá mức độ suy giảm “thể trạng”, xác định nguyên nhân suy giảm và dự kiến giải pháp chăm sóc kéo dài tuổi thọ cây Táu cổ; (Bước 3): Thử nghiệm các giải pháp chăm sóc cây Táu cổ (Vệ sinh thảm thực bì và thân cây; Xử lý mối ở thân cây; Xử lý kích thích bộ rễ; Xử lý chăm sóc lá; Phân tích đất; Gia cố cây chống và tạo cảnh quan môi trường xung quanh); (Bước 4): Theo dõi, kiểm tra định kỳ kết quả thử nghiệm;
(Bước 5): Đánh giá bằng phương pháp so sánh đối chiếu thể trạng cây Táu cổ trước khi chăm sóc và sau khi chăm sóc; (Bước 6): Củng cố kết qủa thử nghiệm bằng cách điều chính và tăng cường giải pháp chăm sóc; (Bước 7): Hội thảo đánh giá tác động của các giải pháp chăm sóc cây táu cổ; (Bước 8): Duy trì chế độ chăm sóc kéo dài tuổi thọ cây Táu cổ; (Bước 9): Rút ra bài học kinh nghiệm chăm sóc kéo dài tuổi thọ cây cổ thụ; (Bước 10): Tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm chăm sóc kéo dài tuổi thọ cây cổ thụ (sổ tay chăm sóc cây cổ thụ).
Từ kết quả nghiên cứu mô hình thử nghiệm, nhóm tác giả đã đề xuất những giải pháp duy trì hoạt động chăm sóc cây như: Tiếp tục theo dõi thể trạng của cây để có giải pháp chăm sóc kịp thời, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư xã Trưng Vương và các doanh nghiệp, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ cây cổ thụ, biên soạn cuốn sổ tay hướng dẫn chăm sóc cây cổ thụ.
Các đại biểu cùng giới chuyên gia quan sát cây táu cổ thụ.
Trước đó, hôm 10/11, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả thử nghiệm chăm sóc, kéo dài tuổi thọ cây táu cổ thụ. Tham dự Hội nghị có TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cùng đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành tỉnh Phú Thọ.
Cây táu cổ thụ 2.100 năm tuổi tại Phú Thọ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2012.
Phạm Dung
Bình luận