Hotline: 0941068156

Thứ năm, 25/04/2024 07:04

Tin nóng

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở Sơn La được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Cây nghiến Di sản - Tài sản vô giá của núi rừng Lâm Bình

Tam Kỳ (Quảng Nam): Đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với quần thể 9 cây sưa cổ thụ

Cần cơ chế bảo tồn, phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam

Phát hiện 6.978 vụ vi phạm về môi trường trong 3 tháng đầu năm 2024

Hải Dương: Cây muồng ràng ràng 300 năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thanh Oai (Hà Nội): 5 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giờ Trái đất 2024: Cả nước tiết kiệm được 428.000 kWh

Quần thể 9 cây sưa cổ thụ ở Tam Kỳ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Hải Phòng: Bồ đề và bàng cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

6 cổ thụ ở Tam Nông được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam: Lan tỏa thông điệp bảo vệ cảnh quan, môi trường ứng phó biến đổi khí hậu

Phát động cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam

Khẩn trương ứng phó cao điểm xâm nhập mặn

Cẩm Phả (Quảng Ninh): Nhiều cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Duối cổ thụ hơn 700 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Cây Di sản - Báu vật nghìn năm tuổi giữa núi rừng Na Hang

Hàng trăm cây cổ thụ ở Lạng Sơn được công nhận quần thể Cây Di sản Việt Nam

Tuyên Quang: 2 nghiến cổ thụ hơn 1.000 năm được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Loạt hoạt động của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam diễn ra trong tháng 3 và tháng 4 tới

Thứ năm, 25/04/2024

Miền ký ức tuổi thơ bên lũy tre làng

Chủ nhật, 27/11/2022 06:11

Ảnh minh họa 

Sinh ra ở một vùng quê ngoại thành Hà Nội từ cách nay mấy thập kỷ, chính vì thế mà tuổi thơ tôi có những năm tháng dài gắn liền với hình ảnh thân thuộc của luỹ tre làng, khói bếp lam chiều, cánh cò thơ mộng dập dờn trên cánh đồng lúa bạt ngàn và triền con đê Sông Hồng uốn lượn chạy dài tít tắp…

Lũ trẻ quê chúng tôi ngày ấy chịu nhiều thiệt thòi và vất vả hơn các bạn cùng trang lứa nơi thành phố, khi mà mới lên 6, lên 7 tuổi là hầu như đứa nào cũng phải làm rất nhiều công việc giúp đỡ bố mẹ. Với những gia đình có nhiều lao động là người lớn tuổi thì trẻ nhỏ trong nhà không mấy khi phải đảm đương nhiều việc, họa chăng chỉ là mấy thứ việc “không tên” lặt vặt như quét sân, trông coi nhà cửa, nấu cơm, thái rau, cho lợn ăn… là cùng. Còn ở những hộ neo đơn, trẻ nhỏ thường rất vất vả khi không những phải đảm đương việc nhà, mà còn phải ra đồng để phụ giúp bố mẹ những công việc ngoài đồng áng. Vì thế mà hết thảy những đứa trẻ quê đồng trang lứa như tôi đều có một ký ức tuổi thơ được xem là “lấm lem bùn đất”- một hình ảnh đậm chất lam lũ, nhếch nhác, vất vả nhưng lại vô cùng đẹp, vô cùng thơ để mỗi người mang theo vào hành trang cuộc đời vào tương lai rộng mở...

Gia đình tôi có 5 anh, chị, em và mẹ. Cuộc sống gia đình thiếu hình bóng của người đàn ông là cha, vì vậy mẹ tôi quá ư là vất vả khi phải nhọc nhằn gánh vác tất cả các công việc gia đình khi chúng tôi còn nhỏ. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ rằng cha đi bộ đội đóng quân ở xa chưa về, nhưng khi lớn lên chút xíu, tôi mới biết rằng cha mình đã hi sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của những năm tháng cả dân tộc gồng mình đánh giặc Mỹ. Mẹ đã đứng lại không đi bước nữa để nuôi dạy chúng tôi lớn khôn. Tôi càng thương mẹ hơn nhiều và luôn kiếm tìm các việc trong nhà để làm chỉ hằng mong đỡ đần cho mẹ được chút việc nào hay chút đó mà thôi. Không chỉ riêng tôi, anh, chị và cả các đứa em tôi cũng luôn có ý tranh việc của mẹ để làm. Có nhiều hôm mẹ ra đồng cấy lúa đến tận trưa muộn mới về. Nhìn thấy mẹ mồ hôi nhễ nhại tôi đã chạy ra cầm quạt nan quạt cho mẹ mát. Thằng cu út thì đảm nhận phần trách nhiệm rót nước mời mẹ uống. Những lúc mẹ mệt như vậy anh em chúng tôi chẳng bao giờ la mắng, cãi nhau vì sợ mẹ buồn…

Ngoài thời gian cắp sách tới trường tôi luôn cùng mẹ ra ngoài đồng ruộng. Từ cuốc đất, tát nước, be bờ, nhổ mạ, cấy, gặt lúa… tôi đều thông thạo khi chưa đầy 10 tuổi. Thực ra mẹ đã chỉ dạy các công việc của nhà nông ngay từ khi tôi còn rất nhỏ. Hơn thế nữa, tôi cũng “học việc” đồng áng từ những người hàng xóm, bởi trong thâm tâm mình cũng muốn biết và thành thạo các công việc của nhà nông sớm để đỡ đần giúp mẹ. Hình ảnh cánh đồng đối với tôi sao mà gần gũi thân thương và nhiều kỷ niệm đến thế. Có những buổi của mấy tháng mùa đông, khi trời còn mờ hơi sương sớm, cái lạnh buốt giá tê tái vậy mà mà mẹ tôi đã trở giấc đi ra đồng để cấy lúa.

Mặc dù mẹ không đánh thức tôi dậy, vì có ý để cho các con ngủ thêm chút nữa, nhưng thoáng thấy mẹ dậy là tôi cũng dậy theo và lóc cóc cùng mẹ ra đồng. Khi lội xuống ruộng cấy mà mắt vẫn còn nhập nhèm, từng khóm lúa vùi cấy xuống đất có lúc không theo một hàng lối nào cả vì một màu tối vẫn bao phủ không gian. Tôi biết là nhiều lúc mẹ không ưng ý khi sửa lại đám lúa tôi vừa cấy không ra hàng ra lối đó, nhưng mà mẹ lại không bao giờ thể hiện sự nặng lời với con. Ngược lại, mẹ còn động viên, chỉ cặn kẽ để tôi khỏi buồn và cấy các khóm lúa gọn hơn, hàng thẳng hơn.

Tôi còn nhớ, có những mùa gặt, mẹ và tôi đi gặt lúa đêm hết 2 sào ruộng lúa chỉ trong khoảng thời gian mấy tiếng đồng hồ. Mẹ bảo tôi: “Mai trời nắng 38-39 độ nên rất nóng, mẹ con mình mai sẽ đi gặt từ lúc sớm con nhé! Cố gắng lên con, mai mốt xong mùa gặt mẹ sẽ mua cho con vài bộ quần áo mới…”. Vâng, chút phần thưởng mà mẹ hứa với tôi như vậy luôn là động lực không nhỏ khiến tôi làm việc hăng say hơn và quên hết mệt mỏi quên hết buồn ngủ khi phải trở giấc sớm, bởi trẻ con ở quê khi đó đứa nào mà chẳng thích có quần áo mới để diện.

Nhiều lần, lúc gần gặt xong thửa ruộng lúa, tôi còn được mẹ “thông báo” rằng sẽ có một bữa dưa lê bồi dưỡng mà mẹ đã gửi nhờ người hàng xóm mua hộ từ tối hôm trước ở phiên chợ làng. Nghe thấy vậy, tôi càng háo hức mong gặt thật nhanh, cho xong thửa ruộng để được nghỉ rồi đợi ăn dưa lê. Bữa dưa lê dọn ruộng- loại dưa nhỏ cuối mùa mà người ta thường bán rẻ- của ngày xưa ấy tại bờ ruộng sao mà ngon, mà ngọt đến thế. Nó có khi còn ngon ngọt hơn cả những loại dưa ngoại cao cấp ngọt tựa đường phèn của ngày hôm nay mà tôi vẫn thường mua ngoài chợ nơi thành phố…

Hoài niệm về ký ức của tuổi thơ tôi ngày xưa ấy bên lũy tre làng, chính là được trở về với những buổi chăn trâu, cắt cỏ, những buổi trưa hè oi ả mà đám bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đi mò cua bắt ốc để cải thiện cho bữa ăn gia đình thêm phần… đủ chất, bởi giai đoạn ấy nhà nào cũng rất nghèo, cuộc sống khó khăn khi phải thường xuyên ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, trong khi thức ăn ngon, chẳng hạn như món thịt thì có khi cả tháng trời nhiều khi cũng không được ăn một bữa nào…! Năm tháng qua đi tất cả những ký ức, kỷ niệm tuổi thơ tôi nơi quê nhà dấu yêu giờ đây vẫn vẹn nguyên, đậm nét như mới hôm qua…

Trong hết thảy chúng ta, mỗi người sinh ra đều có một miền quê không hẳn giống nhau, những ký ức tuổi thơ riêng và cũng sẽ chẳng ai giống ai khi mang theo những hình ảnh, kỷ niệm thơ ấu đó vào đời để làm lẽ sống… Với riêng tôi thì những hình ảnh lam lũ vất vả vô cùng thiếu thốn về vật chất của tuổi thơ luôn là “bàn đạp” để răn dạy mình phải sống sao cho không được vấp ngã, không chùn chân trước những sóng gió, trước những cám dỗ của cuộc đời. Giờ đây mẹ tôi đã là người thiên cổ nhưng tôi vẫn luôn nhớ mãi lời mẹ dặn lúc tôi còn ấu thơ: “Con ạ! Con phải cố gắng mà học hành, cố gắng mà vươn lên bởi trong cuộc đời này sự vất vả, đói khổ luôn làm cho con người ta có thêm nghị lực và ý chí gấp bội phần…”.

 

 

Ghi chép của Đặng Đức

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline