Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 21:01
Thứ hai, 04/11/2024 08:11
TMO - Các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tại khu vực đô thị có quyền tự đề xuất thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị khi được toàn bộ số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất nằm trong ranh giới dự án đề xuất cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng thuận góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo đó, về cải tạo, chỉnh trang đô thị, Điều 20 Luật Thủ đô quy định rõ: Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan của Thủ đô; bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy; nâng cao tiện ích đô thị, cải thiện môi trường sống cho dân cư ở khu vực cải tạo, chỉnh trang.
Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị được triển khai thực hiện theo dự án bao gồm: Dự án tái thiết một khu vực đô thị cụ thể, trừ dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; Dự án chỉnh trang công trình hoặc một nhóm công trình xây dựng tại một khu vực cụ thể; Dự án bảo vệ, tu bổ công trình hoặc một nhóm công trình, khu vực có giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan đô thị; Dự án cải tạo, chỉnh trang hỗn hợp là dự án đầu tư xây dựng trong đó có thể bao gồm các công trình xây dựng mới, công trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và bảo vệ, tu bổ.
Sông Tô Lịch - một trong những điểm nóng về ô nhiễm. Dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng mức độ cải thiện vẫn chưa đáng kể.
Theo Luật Thủ đô, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị được thực hiện trong các trường hợp: Khu vực đô thị có các công trình xây dựng có kết cấu, khoảng cách giữa các công trình không bảo đảm quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Khu vực đô thị có các công trình xây dựng thuộc diện nguy hiểm, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ thuộc trường hợp buộc phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở; khu vực có hạ tầng giao thông không bảo đảm yêu cầu về an toàn giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông;
Khu vực đô thị không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đơn vị ở mà không còn đủ quỹ đất để phát triển bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; Khu vực đô thị không phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; khu vực đô thị có chỉ tiêu dân số vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn của đơn vị ở cần di dời để giảm mật độ dân cư theo quy hoạch; Khu vực đô thị có các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cần được bảo vệ, tu bổ nhưng có các công trình xây dựng xung quanh không phù hợp với việc bảo vệ; Khu vực đô thị có trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở phải di dời theo quy định của pháp luật, có cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ hoặc để xảy ra sự cố gây mất an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dân.
Điều 20 Luật Thủ đô quy định: Các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tại khu vực đô thị có quyền tự đề xuất thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị khi được toàn bộ số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất nằm trong ranh giới dự án đề xuất cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng thuận góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trong trường hợp này phải được lập thành dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, do doanh nghiệp được các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất thống nhất lựa chọn làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết, lập dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trình UBND Thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, bảo đảm phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Trường hợp các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất góp quyền sử dụng đất để mở rộng quỹ đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh phục vụ cải tạo, chỉnh trang đô thị và không tự lựa chọn chủ đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án.
Không gian xanh Hà Nội. Ảnh minh họa.
Đối với khu vực thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà chưa có dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này, UBND Thành phố có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần cải tạo, chỉnh trang đô thị; tổ chức công bố công khai các khu vực cần cải tạo, chỉnh trang đô thị kèm theo các thông tin về vị trí, ranh giới và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo quy hoạch phân khu đã được phê duyệt để kêu gọi đầu tư. Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư đáp ứng điều kiện mời quan tâm thì thực hiện chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; trường hợp có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm thì thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nhà đầu tư được lựa chọn có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết, lập dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trong đó có nội dung về bồi thường, tái định cư, phương án xử lý tài sản công, phân chia lợi ích từ việc tổ chức cải tạo, chỉnh trang đô thị. Đồ án quy hoạch chi tiết, thông tin về dự án đề xuất cải tạo, chỉnh trang đô thị phải được công bố công khai tại khu vực dự án cải tạo, chỉnh trang và trên các phương tiện thông tin đại chúng và chỉ được phê duyệt nếu có từ 75% số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tương đương với ít nhất là 75% diện tích khu vực cải tạo, chỉnh trang đồng thuận.
Trường hợp cấp bách cần cải tạo, chỉnh trang đô thị mà không lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này thì UBND Thành phố thu hồi đất, tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất lớn hơn số tiền chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiếp tục phân chia và chi trả cho các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất bị thu hồi đất. Việc sử dụng đất trúng đấu giá phải phù hợp với quy hoạch và mục tiêu cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Đối với nhà chung cư cũ trong khu chung cư hoặc khu đô thị, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ theo quy định của pháp luật về nhà ở chỉ được thực hiện khi phù hợp với quy hoạch đô thị và yêu cầu cải tạo, chỉnh trang đô thị đối với cả khu chung cư. Đối với các công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu, UBND Thành phố bố trí kinh phí theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ngân sách nhà nước để hỗ trợ kiểm định chất lượng công trình; hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 28/6/2024. Về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) có những quy định bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Luật quy định chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường. Luật cũng phân quyền trực tiếp với quy định trong thời gian HĐND thành phố không họp, Thường trực HĐND thành phố quyết định một số nội dung và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy định này giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành ở thủ đô.
Đối với UBND thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
BẢO HÂN
Bình luận