Hotline: 0941068156
Thứ tư, 21/05/2025 16:05
Thứ ba, 20/05/2025 12:05
TMO - Long An là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng sen. Diện tích trồng sen tập trung ở huyện Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ,... và chủ yếu trồng giống sen cũ.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho thấy, tính đến tháng 6/2024, diện tích trồng sen trên toàn tỉnh là 851,4ha (giảm gần 250ha so với năm 2022), tập trung ở huyện Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ,... chủ yếu là trồng giống sen cũ lấy gương sen, hạt sen, ngó sen. Riêng tại huyện Tân Thạnh, diện tích trồng sen toàn huyện trung bình đạt 1.000-1.350 ha/năm, trong đó diện tích lưu vụ trung bình đạt 135ha. Lợi nhuận bình quân của nông dân đạt 30-40 triệu đồng/ha/vụ.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Long An, mặc dù có nhiều thuận lợi để trồng sen, tuy nhiên ình trạng sản xuất sen tại địa phương hiện nay gặp phải khó khăn là các giống sen đang canh tác bị thoái hóa, cây sinh trưởng và phát triển kém, nhiễm sâu bệnh, dẫn tới năng suất ngó và hạt đều thấp.
Trước thực tế trên, Sở Khoa học và Công nghệ Long An triển khai đề tài “Tuyển chọn và phát triển một số giống sen phù hợp với điều kiện sản xuất tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An”. Nhiệm vụ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh chủ trì thực hiện từ tháng 3/2023 đến tháng 2/2025.
Đề tài được triển khai với mục tiêu tuyển chọn ra các giống sen cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện trồng tại vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An đáp ứng được nhiều mục đích sử dụng (lấy hoa, lấy hạt, lấy ngó, lấy củ) gắn với nhu cầu của thị trường. Trong đó tập trung các nội dung nghiên cứu phục vụ cho sản phẩm đang là thế mạnh của địa phương (sen lấy ngó).
(Ảnh minh họa).
Nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 6 giống sen có nhiều ưu điểm vượt trội để bổ sung vào bộ giống sen cho Long An gồm: Giống Super (lấy hoa): năng suất hoa đạt > 50.000 bông/ha/vụ; dạng hoa kép; hoa màu hồng; ít bị sâu bệnh, đường kính hoa khoảng 17-19 cm; Mùi hương rất thơm; đặc biệt độ bền hoa cắt khoảng 6 ngày.
Giống Mặt bằng (lấy hạt): tỷ lệ đậu hạt >85%; số hạt/gương > 30 hạt; hình dạng hạt hơi tròn (1,9x2,1 cm); năng suất gương >4,8 tấn/ha/năm; ít bị sâu bệnh hại; Chất lượng hạt ngọt, bở, bùi phù hợp ăn tươi và chế biến. Sen hồng Đồng Tháp (lấy hạt): tỷ lệ đậu hạt khoảng 75%; số hạt/gương > 25 hạt; hình dạng hạt bầu dục; năng suất gương >4,5 tấn/ha/năm; Chất lượng hạt bở, bùi, phù hợp để chế biến.
Giống Quan âm trắng (lấy ngó): đường kính ngó 1,2 cm, dài ngó 60-70 cm; năng suất ngó >7,8 tấn/ha/năm; ít bị sâu bệnh hại; ngó có màu trắng, chất lượng ngó giòn, ngọt. Giống Ánh hồng (lấy ngó): đường kính ngó 0,95 cm, dài ngó 70-80 cm, năng suất ngó >7,6 tấn/ha/năm, ít bị sâu bệnh hại, ngó có màu trắng, chất lượng ngó giòn, ngọt. Giống Vân Đài 01 (lấy củ): đường kính củ 5-6 cm, dài 50-60 cm, năng suất củ 8,2 tấn/ha/năm; ít bị sâu bệnh hại. Củ màu vàng nâu, chất lượng củ bở, bùi.
Ngoài ra, đề tài đã hoàn thiện 4 quy trình nhân giống cho 04 nhóm sen (lấy hoa/lấy hạt/lấy ngó/lấy củ). Các quy trình nâng cao được hệ số nhân giống > 20 lần, nâng cao được chất lượng cây giống với tỷ lệ sống đạt >90%; 3 quy trình kỹ thuật nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế cho từng nhóm sen. Các quy trình này có tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Long An, giúp nâng cao tỷ lệ sống cây giống (>90%), cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời hạn chế sâu bệnh.
Đáng chú ý, mô hình trình diễn kỹ thuật tại huyện Tân Thạnh cho kết quả khả quan: năng suất hạt đạt >4,8 tấn/ha, ngó >8 tấn/ha; chất lượng sản phẩm tốt; hiệu quả kinh tế tăng hơn 1,6 lần, vượt 10-18% so với mô hình sản xuất truyền thống.../.
Đức Thuận
Bình luận