Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/04/2025 13:04
Thứ hai, 07/04/2025 15:04
TMO - Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ hướng tới những cánh đồng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đang là một trong những giải pháp quan trọng được các địa phương trong tỉnh Long An tích cực triển khai.
Long An hiện là địa phương đứng thứ tư khu vực đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; khuyến khích nông dân và doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận các thành tựu khoa học - công nghệ mới, nhất là công nghệ 4.0 để ứng dụng vào sản xuất.
Ngành Nông nghiệp tỉnh xác định thời gian tới tiếp tục tuyên truyền, giúp nông dân từng bước thay đổi nhận thức và chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, ngành tiếp tục hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản; tập trung chuyển đổi số và đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Theo Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, từ năm 2015 khâu làm đất trong canh tác lúa được cơ giới hóa 100% diện tích. Khâu gieo sạ, cấy có 70% diện tích lúa gieo sạ bằng máy; 78% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động; 80% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy; 60% diện tích phun phân bón bằng máy. Khâu thu hoạch có 97% diện tích sản xuất thu hoạch bằng máy. 56% lượng rơm, rạ được xử lý bằng máy cuộn rơm; sản lượng lúa qua sấy chiếm 90%.
Giai đoạn 2021-2025, ước đến năm 2025, số lượng máy móc nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, đa dạng về chủng loại, đáp ứng hầu hết các khâu trước, trong và sau thu hoạch (có hơn 6.950 máy cày, máy xới các loại, 98 máy cấy, 23.600 thiết bị sạ hàng, 826 máy phun xịt thuốc tự hành, 500 thiết bị bay không người lái, 43.000 máy phun xịt thuốc 3 trong 1, hơn 45.000 máy bơm nước, 350 trạm bơm điện, 1.600 máy gặt đập liên hợp, 1.192 thiết bị cuộn rơm, 450 lò sấy) giúp tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng tăng.
Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, tính đến năm 2025 khâu làm đất cơ giới hóa 100% diện tích, 99% diện tích gieo sạ lúa bằng máy (kể cả công cụ sạ hàng, máy cấy, thiết bị bay không người lái). 100% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động bằng trạm bơm điện hoặc máy dầu; 100% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy; 100% diện tích được thu hoạch bằng máy; khoảng 80% lượng rơm, rạ được xử lý bằng máy cuộn rơm và sản lượng lúa qua sấy chiếm 100%.
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có hơn 59.672ha lúa ứng dụng công nghệ cao, đạt 99,5% kế hoạch giai đoạn 2016-2025. Năng suất lúa các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt từ 62-89 tạ/ha, cao hơn so với bên ngoài từ 1-5 tạ/ha. Chi phí sản xuất giảm bình quân từ 0,5-4,3 triệu đồng/ha. Sản phẩm lúa được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 100-300 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 27 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 2,8-3,2 triệu đồng/ha.
Cơ giới hóa nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất tại các địa phương.
Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 560ha. Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX đang xây dựng quy trình sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP và từng bước chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Thực hiện Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao giảm phát thải trong vụ Đông Xuân 2023-2024 và Hè Thu 2024, lượng giống gieo sạ giảm xuống 80kg/ha, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”,đưa cơ giới hóa vào sản xuấ,... từ đó đạt một số kết quả khả quan, nhất là giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
Còn đối với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đúng Sạch (huyện Đức Huệ) thành lập từ năm 2022, hiện có tổng diện tích sản xuất 75ha. Trong đó, HTX duy trì 5ha trồng lúa ST25 theo phương pháp hữu cơ và 70ha lúa OM18 áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như cơ giới hóa, IPM, "1 phải, 5 giảm", tưới ngập - khô xen kẽ,.. Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đúng Sạch cơ giới hóa hầu hết các khâu trong canh tác lúa: Máy xới kết hợp trục đất trong khâu làm đất; máy phun, drone trong rải giống, bón phân, phun thuốc; máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch; máy cuốn rơm để xử lý sau thu hoạch.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Long An xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Do đó, công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao luôn được tỉnh quan tâm thực hiện.
Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xây dựng cho 4 loại cây trồng (lúa, thanh long, chanh, rau) và vùng chăn nuôi bò thịt, nuôi tôm nước lợ. Trong đó, chú trọng xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, theo các mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP,… Nổi bật phải kể đến là lúa gạo, thanh long và chanh không hạt, những loại nông sản đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư để chế biến, xuất khẩu./.
Thanh Nga
Bình luận