Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 03:12
Chủ nhật, 10/11/2024 05:11
TMO - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất đã giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần ổn định đời sống cho bà con nông dân tại xã Thạch Bình (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).
Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được ngành chức năng tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh thực hiện. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng một diện tích canh tác.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Là xã miền núi nằm ở phía tây bắc huyện Nho Quan, Thạch Bình có diện tích tự nhiên và dân số lớn nhất nhì huyện Nho Quan.
Toàn xã có khoảng 800 ha đất đồi rừng, đất nông nghiệp là gần 600 ha (chủ yếu là đất màu, đất 1 lúa, 1 màu). Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Thực tế những năm gần đây, với sự hỗ trợ, định hướng của chính quyền, sự nhạy bén, năng động của người dân, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện canh tác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân.
Đơn cử tại thôn Đồi Dài (xã Thạch Bình), để chuẩn bị cho thị trường hoa dịp Tết Nguyên đán, ở khắp vườn nhà, cánh đồng, những người nông dân đã chuẩn bị cho việc sản xuất, chăm sóc hoa Tết. Theo chia sẻ của một số người dân thôn Đồi Dài, nếu trước đây, trên diện tích 5ha, chỉ trồng ngô, lạc, thì từ ngày chuyển sang trồng cây hoa, tuy tốn công chăm sóc, vất vả hơn nhưng thu nhập lại cao gấp nhiều lần trước kia.
Trung bình mỗi sào trồng hoa, các hộ gia đình thu về từ 20-30 triệu đồng tùy vào giá cả thị trường. Với những lao động lớn tuổi không đi làm được ở các Công ty thì đó là một khoản thu nhập đáng kể.
Bên cạnh đó, một số gia đình khác trên thôn Đồi Dài còn phát triển trồng các loài cây dược liệu thay thế các loại cây nông nghiệp có hiệu quả kinh tế kém. Một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi vườn của gia đình sang trồng các loại cây thuốc như dây thìa canh, râu mèo, chè vằng, khổ sâm... để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho y học cổ truyền.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân xã Thạch Bình (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) có nguồn thu nhập ổn định hơn. (Ảnh minh hoạ: PL).
Bên cạnh đó người dân còn cung cấp giống, phổ biến cho các hộ dân khác trong thôn cùng trồng rồi thu mua cho bà con. Với hàng chục tấn dược liệu khô xuất ra thị trường đã mang lại khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người dân. Không chỉ trồng hoa, dược liệu, ở xã Thạch Bình còn có mô hình trồng rau gia vị cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Nếu mỗi ngày người dân cung cấp ra thị trường 40-50 kg rau thương phẩm, tương đương với 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm người dân thu nhập được khoảng 300 triệu đồng. Rau gia vị là một thức ăn thường thấy của các gia đình, do vậy sản phẩm có giá cả rất ổn định. Tuy nhiên, do đây là sản phẩm chủ yếu dùng ăn trực tiếp, ăn sống nên quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gia đình đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo thời gian cách ly, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ chữ tín với người sử dụng.
Với diện tích đất rừng lên tới 800 ha, thay vì chỉ trồng cây keo, thì việc trồng thêm các cây dược liệu, nuôi ong dưới tán rừng, trồng xen thêm các cây đặc sản bản địa như bùi, sim... cũng là một giải pháp quan trọng để xã Thạch Bình nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Được biết, hiện nay, ở Thạch Bình có hơn 50 hộ nuôi ong với trên 4.000 đàn ong, mới đây những người nuôi ong ở đây đã tập hợp nhau lại thành lập HTX nuôi ong để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong đồi rừng. Lãnh đạo UBND xã Thạch Bình cho biết, trước đây, kinh tế địa phương chủ yếu là sản xuất đồi rừng với cây trồng chủ đạo là keo, các cây nông nghiệp khác như ngô, lạc, khoai sắn thì hiệu quả kinh tế không cao.
Do vậy, đời sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp. Để giúp người dân phát triển sản xuất hiệu quả, UBND xã hướng dẫn người dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá; cùng với tranh thủ các nguồn lực đầu tư, xã tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ người dân kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua, qua đó, tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được cải thiện, nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 54 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã tiếp tục rà soát lại quỹ đất, thực hiện dồn đổi, tích tụ đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất; nhân rộng những mô hình cây trồng hiệu quả; tăng cường hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn về kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho các hộ sản xuất. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đây là tiền đề để xã Thạch Bình (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Trong thời gian tới, để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Nho Quan nói chung sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng cũng như ngành nông nghiệp theo hướng liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản giúp nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, tư vấn hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của các địa phương.
Mai Anh
Bình luận